Quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng lao động

22/12/2003 09:31 GMT+7

Tôi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được giao kết từ ngày 21/11/2000. Ngày 18/12002 tôi bị bệnh phải nằm viện, cho đến ngày 6/3/2002, tôi đi làm trở lại. Ngày 13/5/2002 doanh nghiệp ra quyết định miễn nhiệm chức danh tôi đang làm trước khi bị bệnh và điều động tôi sang làm công việc khác...

Rồi ngày 9/10/2002 doanh nghiệp ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với lý do sức khỏe của tôi không đáp ứng được yêu cầu của công việc (khi chấm dứt hợp đồng lao động không giám định y khoa). Vậy, việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tôi trong trường hợp này có trái pháp luật lao động không? (Trần An Trạch -
P.9, Q.8, TP Hồ Chí Minh) 

Trả lời:

1. Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2003 quy định: người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây: 

Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục được. 

Người lao động bị kỷ luật sa thải. 

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị mười hai (12) tháng liền, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì được xem xét giao kết tiếp hợp đồng lao động. 

Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. 

Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

Như vậy, nếu doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông không thuộc một trong các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã nói ở trên thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không đúng quy định của pháp luật lao động.

Do đó, nếu thương lượng giải quyết không xong, ông có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân quận, nơi doanh nghiệp ông làm việc đặt trụ sở, yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Tuy nhiên, xin lưu ý với ông: Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp hoặc sáu tháng kể từ ngày Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên của cơ quan lao động cấp huyện hòa giải không thành, theo Điều 32 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động ngày 11/4/1996.

Luật gia Hoàng Trung Tiếu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.