Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cần chuẩn bị sớm và chu đáo

04/01/2004 21:34 GMT+7

Là một cán bộ thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 may mắn được tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, vừa rồi tôi có dịp lên thăm lại chiến trường xưa.

Trong những ngày ở Điện Biên Phủ lần này, tôi đã đi suốt dọc đoạn đường từ bắc đồi Độc Lập đến nam Hồng Cúm, từ hầm tướng De Castries đến Sở chỉ huy mặt trận ở Mường Phăng, viếng thăm nhà bảo tàng, hai nghĩa trang liệt sĩ, lên thăm đồi A1, ghé lại vài vị trí trước kia là trận địa pháo cao xạ của ta...

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đang tiến hành củng cố, sửa chữa các di tích lịch sử để phục vụ đợt kỷ niệm lần thứ 50 Chiến thắng Điện Biên Phủ vào đầu năm tới.

Từ nay đến ngày 13/3/2004 (kỷ niệm đúng 50 năm ngày mở màn chiến dịch) không còn xa nữa. Tôi xin đề nghị:

1. Đối với cụm Sở chỉ huy Mường Phăng: cần mở rộng và nâng cấp đoạn đường từ giao lộ đường số 6 đi đến nhà khách và các bậc thang từ dưới chân đồi lên tới hầm Đại tướng. Nên gia cố lại bằng bê tông toàn bộ trần của các căn hầm để tránh sập lở. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, nếu không làm kiên cố, tôi e rằng rồi đây sẽ không có dịp khác để làm, dẫn tới di tích lịch sử quan trọng này sẽ trở thành hoang phế.

2. Đối với hệ thống "trận địa tiến công và bao vây", tức hệ thống "giao thông hào tiến công" - một sáng tạo, một kỳ công của quân đội ta, nhất thiết phải được dành ra một diện tích thích đáng để phục chế (một phần), gồm: đường hào trục, đường hào nhánh, hào “xương cá", hầm cố thủ, ụ súng bắn tỉa, các "hàm ếch", tức hầm nghỉ ngơi của chiến sĩ, ở đó được lót vải dù trắng, có dán những tranh cổ động, báo tường, có chỗ để sách, báo (Báo Quân đội nhân dân in và phát hành tại mặt trận), cỗ bài tú-lơ-khơ, bên vách dựng vài cuốc xẻng, súng trường, tiểu liên...

Ở cuối đường hào nên có con lăn bện bằng rơm, làm lá chắn chống đạn bắn thẳng của địch.

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tác giả.

3. Về trận địa pháo cao xạ: Hiện nay trên toàn chiến trường duy nhất chỉ có một cột mốc nhỏ, thấp, với dòng chữ lờ mờ "Mốc di tích lịch sử Điện Biên Phủ", cắm ở ven đường gần bản Mịn (tên đúng là bản Mển), là vị trí của trận địa Đại đội 827 pháo cao xạ hồi trước, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt ngày 17/3/1954.

Ngoài ra không có một di tích nào khác để nói lên sự có mặt của binh chủng pháo cao xạ, lần đầu ra trận đã lập công xuất sắc trên "mặt trận đối không" cực kỳ quan trọng này. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chính hệ thống trận địa cao xạ đã đóng vai trò chủ yếu trong việc khống chế không phận, bao vây vùng trời, tiến tới chặt đứt chiếc cầu hàng không, con đường tiếp tế, tăng viện duy nhất của kẻ thù.

Nếu không có một trận địa pháo cao xạ nào được tôn tạo thành di tích lịch sử, tôi cho là không công bằng. Tôi đề nghị xây dựng lại trận địa pháo cao xạ ở trên đồi Quang Tum (tên đúng là Poóng Tum), thuộc xã Thanh Minh, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, cách Him Lam vài cây số về phía đông bắc.

Ở đây, Đại đội 815 pháo 37 ly đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của chiến dịch, bắn cháy chiếc Đa-cô-ta C47. Xin đề nghị tăng kinh phí để trùng tu trận địa này, kèm theo là việc thay thế chiếc cầu treo hiện nay bằng một chiếc cầu bê tông bán kiên cố. Có cầu và đường ô tô tốt, xe ô tô đi thẳng đến trận địa này chỉ mất vài phút. Nếu có thể, đặt vào công sự ở đó một khẩu pháo 37 ly cũ càng hay.

4. Về đường kéo pháo bằng tay: đề nghị khôi phục một đoạn ở chặng đầu, từ bản Nà Nham (tên đúng là Nà Nhạn) đến dốc Chuối, nơi anh Tô Vĩnh Diện hy sinh. Ở trên đầu dốc có trụ tời, quấn dây kéo pháo, bên cạnh là những chiếc chèn.

Hy vọng rồi đây, việc tiến hành chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" cũng sẽ được quan tâm. Chúng ta sẽ làm sống lại mãnh liệt tinh thần Điện Biên Phủ của nửa thế kỷ trước, từ đó hướng tới một "Điện Biên Phủ mới" của hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam yêu quý.

Lưu Trọng Lân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.