Giọng mình giờ vẫn nửa Nam nửa Bắc, tiếng thì giọng nội, tiếng thì giọng má. Chỉ có đôi mắt, ai cũng bảo: đúng mắt nội mi rồi".
Chúng tôi ở cách nhau nửa vòng trái đất, vài lần thư từ những chuyện làm ăn, thế mà chẳng hiểu vì sao mặc nhiên anh coi tôi như người bạn tâm tình. Lấy vợ sớm, thành đạt sớm, anh chỉ có một nỗi buồn lớn nhất: hai đứa con nhỏ không chịu nói tiếng Việt. Và một câu chuyện làm anh day dứt mãi không nguôi: chuyện bà nội. Tôi nhìn kỹ những bức ảnh anh gửi về từ xứ lạnh, cái gia đình đầm ấm của anh có người vợ đầm xinh xắn, hai đứa nhỏ như từ trong tranh bước ra. Còn ao ước gì hơn nữa ! Vậy mà mắt anh vẫn buồn, đôi mắt rất con gái có hàng mi dài đen thừa hưởng từ bà nội. Hình như, những người phụ nữ có đạo đều mang đôi mắt rợp buồn vậy, đẹp và nhu mì.
"Đẹp nhất mấy năm thuở nhỏ, mình lẫm chẫm bám tay nội đi bán bánh dọc sông Sài Gòn. Ba má mình la nội hoài, nhà có nghèo hèn đâu mà để nội phải đi bán bánh dạo. Nhưng nội không nghe ai hết. Má thương nội, cho mình con nít theo cùng để bà không dám đi xa. Những lúc buồn ngủ rũ mắt trên vỉa hè, nhớ nội ôm vào lòng rủ rỉ hát ru:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Ngã ba sông nào bà cũng dạy mình những câu hát ru như thế. Có lần xuống đến bến Bình Khánh, chỉ nhớ chao ôi là sóng nước. Nội nhìn sang phía bên kia sông nơi có những rặng dừa nước xa vời vợi, rồi cứ lặng lẽ khóc ròng, tay nắm chặt lấy mình như sợ mình bay đâu mất. Với mình, những ngã ba sông Sài Gòn là cả bàn tay của nội đó".
Ba anh làm sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhưng người chú ruột của anh - người được bà nội và cả nhà cưng nhất - lại đứng chân trong hàng ngũ cách mạng. Những năm đó nghe nói ông đang ở đâu bên kia sông Sài Gòn, phía sau những rặng dừa nước điệp điệp trùng trùng, xa hơn nữa về phía biển... Nội vừa bán bánh vừa làm giao liên cách mạng mà ba má anh không hề hay biết. Ngày sắp giải phóng, ba má anh chộn rộn chuyện di tản, chỉ mấy đêm mà mái tóc muối tiêu của nội bạc trắng. Mối lo lớn nhất của ba anh là bà nội đòi ở lại chờ chú út về. Không ai dám hỏi nhưng bà nội cũng không nói một lời. Phút cuối cùng, nội ôm cháu lặng lẽ xách giỏ theo mọi người lên tàu. Anh kể: Sang đó nội vẫn theo giúp ba công việc làm ăn tứ xứ, nhưng ít ngủ hẳn và sụp hẳn đi. Ngày nội sắp mất, mình hỏi nội nếu nhớ chú út sao nội không ở lại, nội mong gặp chú lắm mà... Nội nhìn mình rất lâu rồi mới thì thầm: Trước chú út vất vả nhưng bà đã không theo giúp gì được, đến khi ba con vất vả, bà bỏ ba con đi được sao ?
Những ngã ba sông cho đến khi anh kể, tôi mới qua một lần. Tôi đã hình dung ánh mắt hy vọng của một bà mẹ, mấy năm trời đằng đẵng dõi theo những ngã ba sông mà tưởng như dõi thấy bóng dáng con trai mình.
Một hôm, từ đâu, anh ào đến nhà tôi. Anh bảo, hai đứa bé cùng ba anh đã về lại Canada. "Mừng hết biết em ơi, về đến đây có hai tháng mà chúng đã tập tọng nói được tiếng Việt rồi. Biết không, giờ cái câu chúng nó nói nhiều nhất là “Giời đất ơi”. Cái gì cũng Giời đất ơi. Anh cười phá lên mà mắt rớm nước. Giời đất ơi! Câu nói ấy cả ba và chú anh đã bất giác cùng nghẹn ngào bật thốt lúc lên phà Bình Khánh, khi nghe anh nói ở bến sông bên này nội đã từng khóc. Hành khách trong chuyến phà không ai biết đại gia đình của anh trong chuyến đi hôm đó mang theo tro cốt nội - như ý nguyện của bà, rải xuống sông Sài Gòn.
Anh bảo lớn lên vẫn thấy sông dài và rộng, nhưng những đứa trẻ nhà anh chỉ một bước lên phà là sang được bờ bên kia. Hớn hở vì những gì đã thấy ở quê cha, về đến xứ người, chẳng cần cha mẹ nhắc, chúng đều ra sức học tiếng quê, khấp khởi đợi hè sang năm lại về. Bài văn viết chúng kể chuyện con sông quê mênh mang đôi bờ những rặng dừa nước. Chúng đâu đã hiểu được rằng miền quê ấy còn có người mẹ già dẫu đã đi hết nửa vòng thế giới, mà cả đời người chưa lần nào qua hết nổi một ngã ba sông...
Bùi Thúy Hà
Bình luận (0)