2h30 ngày 30/3/1981, sau khi hoàn tất bài diễn văn trong hội nghị liên kết tại Washington Hilton, Tổng thống Ronald Reagan tươi cười rời khỏi khách sạn tiến về chiếc limousine. Một tiếng hét lên từ đám đông báo giới: "Tổng thống Reagan !", ông quay lại, vẫy tay chào. Bất ngờ một gã đàn ông móc khẩu súng lục .22 bắn liền 6 phát trúng 4 người khác nhau. Một viên đạn bắn bật thành chiếc limousine và ghim trúng phổi trái tổng thống, chỉ cách tim có 3 inches (khoảng 7,5 cm), viên thứ hai xuyên óc Thư ký báo chí Nhà Trắng James Brady, viên thứ ba trúng lưng sĩ quan cảnh sát Thomas Delahanty trong khi viên thứ tư cắm vào ngực nhân viên mật vụ Tim McCarthy. Tổng thống lập tức được ấn vào xe phóng đi trong lúc nhân viên công lực ùa đến đè sấp kẻ thủ ác và tống lên xe cảnh sát.
Vụ mưu sát làm cả nước Mỹ chấn động và những ký ức đau buồn về vụ sát hại Tổng thống John F.Kennedy bất chợt trở lại. Thị trường chứng khoán Mỹ ngừng giao dịch, lễ trao giải Oscar tạm hoãn đến tối hôm sau. Ông Reagan vừa nhậm chức tổng thống được 69 ngày và vụ ám sát khiến nội các Mỹ bối rối. Phó tổng thống Mỹ George Bush đang kẹt ở Texas và trong lúc chờ ông quay trở về Washington, không có ai nắm quyền điều hành đất nước.
Thử tưởng tượng - ở thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh, có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân bất kỳ lúc nào, bỗng dưng 2 nhân vật đứng đầu nước Mỹ - tổng thống và phó tổng thống đều không thể với tay đến va li nút bấm. Ai sẽ quyết định chiến tranh hay hòa bình? Toàn bộ nội các Mỹ đổ về Nhà Trắng, cách nơi mưu sát khoảng 1 dặm, ùa cả vào "trung tâm khủng hoảng của Nhà Trắng", được biết đến dưới tên gọi Phòng Tình huống - nơi quy tụ những nhân vật nắm giữ vận mệnh nước Mỹ. Không ai biết chính xác điều gì xảy ra hôm đó. 20 năm sau, những cuốn băng ghi âm về quãng thời gian căng thẳng ấy mới được tiết lộ. Bài tường thuật của Scott Palley loan trên kênh CBS cho biết những bất trắc người dân Mỹ không hề biết đến trong buổi chiều 30/3/1981.
Về đến Nhà Trắng, Ngoại trưởng Alexander Haig lập tức liên lạc với Phó tổng thống George Bush - lúc này đang trên đường bay đến Texas. Lúc đó, phương tiện thông tin liên lạc chưa hiện đại như bây giờ. Loay hoay một hồi, Haig cũng liên lạc được với ông Bush và chỉ nói một câu ngắn gọn: "Quay trở lại".
Lúc này, cả bộ sậu ở Nhà Trắng đều đã có mặt trong Phòng Tình huống. Cố vấn an ninh quốc gia Richard Allen lên tiếng cho biết đang có trong tay 3 thứ: một bản copy hiến pháp, khóa giải mã nút bấm hạt nhân và một chiếc máy ghi âm cổ lỗ. Luật sư Nhà Trắng Fred Fielding được yêu cầu phải lập tức chuẩn bị cho việc tiến hành chuyển giao quyền lực tổng thống. Lúc này, ông Reagan vừa đổ gục trong phòng cấp cứu.
Câu hỏi gay nhất được nêu ra là vụ ám sát có phải là âm mưu của phía Liên Xô hòng mở đầu cho một cuộc chiến tranh hay không? Đây là khả năng rất có thể xảy ra bởi hiện đang có rất nhiều tàu ngầm gắn tên lửa hạt nhân đang tiến về phía bờ biển nước Mỹ. Trong khi đó, tổng thống bắt đầu được chuyển đến phòng phẫu thuật và chẳng bao lâu, ông sẽ được gây mê.
"Chúng tôi gồm 3 người, đang đứng bàn bạc ở hành lang", cố vấn tổng thống Ed Meese nhớ lại, "tổng thống được đẩy từ phòng cấp cứu sang phòng giải phẫu và khi thấy chúng tôi, ông bảo - "Ai sẽ trông coi nút bấm hạt nhân?”. Vài giờ sau, 3 nhân vật này nắm quyền kiểm soát Phòng Tình huống và các lực lượng hạt nhân của Mỹ. Và khi tổng thống hôn mê, Haig đã có một câu tuyên bố nổi tiếng, tự đứng ra nhận trọng trách thay thế quyền tổng thống.
"Thưa quý vị, vào lúc này, căn cứ theo hiến pháp, tôi sẽ tạm nắm quyền điều hành vận mệnh đất nước cho đến khi tổng thống đến đây", Haig tuyên bố trước sự bàn tán xôn xao của mọi người. Haig nguyên là tướng 4 sao đã về hưu, từng giữ chức Tổng tư lệnh quân đội dưới thời Tổng thống Nixon và hiện đang giữ cương vị ngoại trưởng. Ở bên ngoài, trợ lý thư ký báo chí Larry Speakes rối như gà mắc tóc trước các câu hỏi của giới ký giả. Haig đi thẳng đến phòng họp và khi câu hỏi "ai đang điều hành chính phủ?" được nêu lên, ông bước thẳng lên bục, trả lời bằng giọng vỡ vụn:
"Thưa quý vị, căn cứ theo hiến pháp, chúng ta có tổng thống, phó tổng thống và ngoại trưởng - cấp bậc theo thứ tự. Và nếu tổng thống quyết định trao quyền cho phó tổng thống, ông ta cũng sẽ làm như vậy. Ở thời điểm này, tổng thống đã bất tỉnh, phó tổng thống ở xa. Do đó, tôi là người nắm quyền điều hành ở đây, ở Nhà Trắng, cho đến khi phó tổng thống trở về. Lẽ đương nhiên, trong tình huống xấu nhất là phía Liên Xô bất ngờ mở cuộc tấn kích, tôi sẽ thảo luận việc đối phó với phó tổng thổng".
Thật ra, Haig đã tuyên bố không chính xác khi bảo là "theo hiến pháp". Bởi hiến pháp chỉ đề cập đến chức danh ngoại trưởng ở hàng thứ 4 theo thứ tự trong việc chuyển giao quyền lực chứ không phải thứ 3 như ông ta tuyên bố. Sau này, ông lý giải: "Lúc đó tôi không nói về vấn đề chuyển giao quyền lực. Tôi chỉ nói đến vấn đề quan trọng nhất là ai sẽ điều hành chính phủ lúc đó. Đó mới chính là câu hỏi làm nhiều người đau đầu chứ không phải câu "nếu tổng thống qua đời, ai sẽ là người thay thế?".
Về vấn đề chuyển giao quyền lực, Haig là người đã có kinh nghiệm khi còn làm việc dưới quyền Nixon và đã chứng kiến việc ông từ chức sau scandal Watergate. Haig cho rằng lời tuyên bố của ông khi ấy chẳng qua cũng chỉ nhằm cởi bỏ sức ép lên việc ai sẽ giữ quyền nhấn nút khai hoạt vũ khí hạt nhân.
Nhưng lời "nói dối chân thật" đã bị nhiều người phát giác và cho rằng Haig là kẻ nói dối với dụng ý không hay. Người đầu tiên cho rằng Haig nói dối là Bộ trưởng Quốc phòng Cap Weinberger. Ông này lập tức ra lệnh báo động, ra lệnh tất cả các phi công chiến đấu Mỹ phải leo sẵn lên các máy bay ném bom hạt nhân, nổ máy và sẵn sàng chờ lệnh xuất phát phòng khi phía Liên Xô bất ngờ tấn kích.
"Tôi nghĩ ra lệnh báo động toàn quân lực là khả năng tối ưu nhất có thể. Tất cả phi công chiến đấu đều phải có mặt sẵn trên máy bay vì như vậy, ta sẽ tiết kiệm được từ 3 phút rưỡi đến 4 phút phòng trường hợp xấu nhất xảy ra", Cap lên tiếng, phớt lờ lời tuyên bố tự nhận chức của Haig.
"Tôi không phải là kẻ nói dối, Cap", Haig cãi. "Tôi ra lệnh không cần gia tăng mức độ báo động".
"Ái chà, anh lên nắm ghế tổng thống thật rồi à" - Weinberger châm chọc.
"Tôi nghĩ tốt hơn hết anh nên học lại hiến pháp", Haig đáp. "Tôi đang nắm quyền kiểm soát tại đây và nếu cần có những quyết định quan trọng, chúng ta vẫn có thể liên lạc được với phó tổng thống bất cứ lúc nào".
Tuy nhiên, không ai trong Phòng Tình huống có thể ra được quyết định ai có quyền sử dụng khóa giải mã bí mật để phóng phi đạn hạt nhân. Khóa này được cất trong một vali nhỏ, gọi là quả bóng, thường thì lúc nào cũng bên cạnh tổng thống. Đúng lúc đó, cuộc điều tra tay sát thủ đã có kết quả. Thủ phạm là John Hinckley, 25 tuổi, con trai của một thương gia giàu có trong lĩnh vực dầu hỏa và chỉ là kẻ hành động đơn độc, không nằm trong âm mưu nào cả. John có triệu chứng bệnh tâm thần và có cả một "lịch sử" theo đuôi những người nổi tiếng, trong đó có Thổng thống Carter, Reagan và nữ minh tinh Jodie Foster. Tại nhà Hinckley, cảnh sát tìm thấy những lá thư tình Hinckley viết chưa kịp gửi cho Foster. Nhiều chứng cứ khác tìm được cũng cho thấy anh chàng này bị cô nàng ám ảnh đến mê muội sau khi xem Foster đóng vai một cô gái "lọ lem hè phố" trong bộ phim Taxi Driver. Khi bị bắt, Hinckley khai rằng hắn đã gửi rất nhiều thư tình cho Foster, song vẫn bị cô nàng làm ngơ nên đã quyết định ám sát tổng thống với hy vọng gây được sự chú ý và... giành được trái tim người đẹp.
Phía phòng phẫu thuật cũng cho kết quả: Tổng thống Reagan và 3 người còn lại đều sống sót. 4 tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ ám sát, Phó tổng thống George Bush về đến Nhà Trắng, chấm dứt cuộc khủng hoảng quyền lực trong Phòng Tình huống. Riêng Hinckley bị đưa ra tòa ngày 21/6/1982, tuy nhiên, bồi thẩm đoàn xác định Hinckley bị tâm thần và tuyên trắng án. Hinckley được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện St.Elizabeth và ở luôn tại đây cho đến tháng 1/1999 mới thắng kiện, được trả về với cộng đồng.
Ngọc Thịnh
Bình luận (0)