Chiều 6/2, sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh do Chánh tòa Hành chính Lưu Thị Hòa làm chủ tọa tuyên bác đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn Ry, giữ nguyên các quyết định của án sơ thẩm của TAND quận Thủ Đức, bên thắng kiện vội vã ra bãi giữ xe và hào phóng "boa" luôn những đồng bạc chẵn cho người bảo vệ, lên xe vọt thẳng. Bên thua kiện - tức ông Ry - là một cụ già nước da đen sạm vì lam lũ, hơi lãng tai, cũng lặng lẽ rời khu xử án và thả từng bước chân nặng nề ra cổng.
Về thủ tục khởi kiện, thẩm phán Lưu Thị Hòa, Chánh tòa Hành chính TAND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Người dân phải nghiên cứu, xem vụ việc của mình thuộc loại nào, có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Hành chính hay không. Sau khi nhận được quyết định hành chính của UBND hoặc cơ quan nhà nước, người dân có quyền khiếu nại. Sau đó 30 ngày dù phía bị khiếu nại có trả lời hay không trả lời thì người dân đã có quyền đưa đơn khởi kiện thẳng ra tòa án. Về án phí, người dân không phải đóng án phí như dân sự mà chỉ tốn 50.000 đồng như hình sự. Thậm chí nếu có đòi bồi thường thiệt hại như thế nào mà bị tòa bác bỏ, tòa cũng không tính án phí”. |
Trên đây chỉ là một "trích đoạn" của những người đi kiện vốn thường thấy ở pháp đình. Kết cục thắng, thua bao giờ cũng vậy. Điều đặc biệt là ở chỗ, khi nhận được một quyết định hành chính của cơ quan công quyền, thay vì chỉ biết gửi những tờ đơn khiếu nại âm thầm theo đường bưu điện và mòn mỏi ngóng chờ tin phản hồi, thì nay người dân bị ảnh hưởng bởi các quyết định ấy đã có thể “kéo” người ký quyết định ra trước tòa án để tranh cãi công khai. Và ở đó, qua thẩm vấn của tòa, mọi chuyện sẽ không còn bị “ngâm” trong im lặng. Chúng tôi hỏi thật ông Ry: "Ông là công dân quận Thủ Đức, ông kiện UBND quận như vậy ông có sợ không?". Ông cụ đáp tỉnh rụi: "Đâu có gì phải sợ, ủy ban ra quyết định buộc tôi dỡ nhà để trả đất, tôi thấy quyết định đó quá bức xúc, không công bằng, thì tôi kiện thôi".
Cũng như ông cụ Ry, các anh Võ Huy Thông và Hà Văn Hòa mà chúng tôi có dịp tiếp xúc trong những ngày đầu năm 2004 này cũng khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận và... cũng đã thua kiện. Song, mỗi người vẫn tiếp tục đeo đuổi những hy vọng riêng. Riêng hai cơ sở nước hoa Lan Hương và Thành Nam trước đây đã từng thắng UBND TP Hồ Chí Minh một lần, nay lại bị một quyết định hành chính mới và tiếp tục “tái kiện”, chưa biết “hậu vận” ra sao nhưng trước mắt cũng đã trở thành một trong số ít những doanh nghiệp “nổi tiếng” trong chuyện “con kiến mà kiện củ khoai”.
Phiên tòa xét xử vụ kiện của ông Ry (ảnh: Đ.N.Thạch) |
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một người từng tham gia tố tụng tại nhiều phiên tòa hành chính trong thời gian gần đây, nói: “Việc giải quyết khiếu kiện bằng thủ tục tố tụng hành chính tại tòa án là một bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển nền hành chính và tư pháp, đem đến hiệu quả pháp lý tích cực, là thước đo dân chủ của xã hội. Thông qua việc giải quyết một vụ án hành chính cụ thể, tòa án giúp người khởi kiện nhanh chóng kết thúc yêu cầu khiếu kiện, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, giúp bên bị kiện (là các cơ quan nhà nước) chấn chỉnh hoạt động và thực thi đúng quyền năng luật định”. |
Tất nhiên khi bị kiện ra tòa thì chưa hẳn là cơ quan công quyền đã sai, đã có hành vi hành chính nào đó vượt quá thẩm quyền... Nhưng khi đã “đến nước như vậy” thì dù muốn hay không họ cũng phải “giật mình xem lại mình”. Và đó chính là “liệu pháp tự kiểm” hiệu quả nhất mà đôi khi những đơn thư khiếu nại kéo dài của người dân đơn độc không đủ sức lay chuyển.
Võ Khối
Bình luận (0)