Già Ay Đoai đã ngoài 70 tuổi, rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc thuần dưỡng voi rừng, được Ama Đe nhờ đến chăm sóc Y Kuốp. Già Ay Đoai bảo: “Voi Y Kuốp đã biết nghe lời rồi đó. Khoảng 15 ngày nữa tôi sẽ tháo cùm chân và cho nó đi lại quanh buôn”. Con voi đang được gia đình Ama Đe chăm sóc chu đáo. Việc Ama Đe cùng nhóm thợ săn vi phạm pháp luật thì đã rõ. Nhưng tính mạng con voi và việc sử dụng nó như thế nào cho hợp lý mới là điều đáng bàn. Buôn Đôn là vùng đất nổi tiếng bởi nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Việc làm của Ama Đe và nhóm thợ săn thì già làng Ay Chiu cũng biết. Ông nói: “Ama Đe bắt con voi là sai luật của Nhà nước rồi ! Nhưng từ xưa đến nay, không ai đã bắt voi về mà lại thả lại rừng đâu. Nó đã về với buôn rồi thì không thể trở lại với bầy đàn được nữa. Những con voi rừng sẽ đánh chết nó ngay, vì nó đã có mùi người rồi. Ama Đe bắt con voi rừng là vi phạm pháp luật, là có lỗi với Vườn quốc gia Yók Đôn. Bây giờ Ama Đe phải có trách nhiệm chăm sóc thuần dưỡng con voi đó để sau này phục vụ buôn làng, phục vụ du lịch cho Nhà nước”. Không riêng gì già làng Ay Chiu mà tất cả những người chúng tôi tiếp xúc như ông Ama Krông, 88 tuổi ở xã Krôngna - người đã từng săn bắt thuần dưỡng 298 voi rừng cũng cho rằng: “Nếu thả voi vào rừng trở lại, con voi này còn nhỏ không thể sống đơn độc được, mà nó tìm về với đàn thì đàn sẽ quật chết lập tức !”.
Như vậy, việc quyết định thả voi trở về rừng hay để voi cho gia đình Ama Đe thuần dưỡng xem ra không đơn giản đối với các ngành các cấp chức năng ở Đắk Lắk. Sẽ tạo ra một tiền lệ xấu nếu để gia đình Ama Đe được phép thuần dưỡng voi, nhưng voi sẽ chết nếu nó được trả lại rừng!
Nguyễn Hoàng Thu - Lê Xuân Lãm
Bình luận (0)