BBC trước nguy cơ bị "xé nhỏ"

16/02/2004 21:36 GMT+7

Ngày nay, 3 chữ viết tắt BBC đã trở nên quá quen thuộc trên toàn cầu bởi BBC hiện là một trong những hãng truyền thông quy mô nhất trên thế giới. Nhưng ngay vào lúc này thì BBC đang đứng trước nguy cơ bị xé thành nhiều mảnh sau một thời điểm nhạy cảm: Đối đầu với chính phủ.

82 năm và một giờ

Phóng viên BBC làm việc trong văn phòng ở Anh.

Vụ tranh cãi bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái khi Đài Phát thanh BBC quyết định phát bài chỉ trích Thủ tướng Tony Blair, cho rằng ông đã "xào nấu" các thông tin tình báo về vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt ở Iraq, tạo cớ cho Anh đưa quân tham chiến. Chuyên gia vũ khí của chính phủ, ông David Kelly sau đó đã bị chỉ đích danh là người giấu tên cung cấp thông tin cho chỉ trích kể trên. Mọi chuyện càng phức tạp khi ông Kelly tự tử. Vụ điều tra xung quanh cái chết làm xôn xao dư luận này đã được thẩm phán Hutton tiến hành với kết luận: chỉ trích của BBC là vô căn cứ. BBC phải công khai xin lỗi. Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị phải từ chức, phóng viên trực tiếp viết bài cũng phải ra đi. Khổ nỗi các cuộc thăm dò ý kiến sau chuỗi sự kiện kể trên lại cho thấy một bộ phận lớn dân Anh cho rằng báo cáo Hutton chỉ là sự thanh minh gượng ép của chính phủ và họ tin hãng BBC hơn.

Hiện giờ báo Sunday Times đưa tin một số quan chức cao cấp trong chính phủ đang phác thảo kế hoạch chia nhỏ BBC thành các hãng khu vực hoạt động độc lập ở Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland. Kế hoạch cũng đề nghị tước quyền giám sát hoạt động thông tin từ tay bộ phận giám sát riêng của BBC, chuyển nhiều quyền lực hơn cho cơ quan giám sát của chính phủ Ofcom. Các quan chức thậm chí đề nghị buộc BBC phải chia bớt lợi nhuận từ phí bản quyền của mình cho các hãng truyền thông khác. Nếu được áp dụng, kế hoạch kể trên sẽ thay đổi căn bản hoạt động của BBC, vốn xưa nay luôn chú trọng đến tính độc lập của mình. Báo giới quốc tế thì cho rằng trong 82 năm lịch sử của BBC, có lẽ đây là thời điểm quan hệ của hãng với chính quyền ở mức xấu nhất.

Không quảng cáo

Cách đây 82 năm, báo viết ở Anh có dịp đưa tin rùm beng về một sự kiện quan trọng: Tin tức đã được đưa lên sóng phát thanh thông qua Công ty Truyền thông Anh Quốc (BBC). Đó là ngày 14/11/1922. Cái công ty truyền thông "vĩ đại" đó có tổng cộng... 4 nhân viên chỉ vừa mới xáp lại làm việc. Người đọc 2 bản tin ngày hôm đó (lúc 6 giờ và 9 giờ), ông Arthur Burrows thậm chí muốn... thử thách "lòng trung thành" của các "thượng đế" bằng cách một lần thì đọc tin thật nhanh, lần còn lại đọc thật chậm rồi hỏi thính giả xem họ thích cách đọc nào hơn!

Hội đồng quản trị của BBC bao gồm 12 nhân vật, được xem là đại diện cho lợi ích công chúng. Chính họ có quyền hoạch định chiến lược, điều chỉnh và giám sát hoạt động thông tin của BBC. Trên danh nghĩa, Nữ hoàng mới có quyền bổ nhiệm thành viên hội đồng nhưng thực chất họ do chính quyền lựa chọn. Còn các hoạt động hằng ngày của BBC thì do 16 chi nhánh phụ trách, mỗi chi nhánh đều có giám đốc chịu trách nhiệm báo cáo cho tổng giám đốc, hợp thành Hội đồng điều hành. BBC được thành lập theo Quy định hoàng gia, có hiệu lực từng 10 năm một và quy định hiện hành sẽ hết hạn vào năm 2006. Phóng viên nổi tiếng của BBC, T.Douglas đã thừa nhận đây là một giai đoạn nguy hiểm cho sự độc lập của BBC vì Quy định hoàng gia thì sắp hết hạn đến nơi trong khi 2 vị trí chóp bu đều sắp có nhân sự mới là chủ tịch hội đồng quản trị (do chính quyền Anh bổ nhiệm) và quản trị điều hành (do Hội đồng quản trị bổ nhiệm).

Hiện nay BBC có khoảng 2.000 nhà báo hoạt động ở 48 văn phòng thu thập tin tức, trong đó 41 đặt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, hãng này còn thu nhận thêm khoảng 700 nhân viên kỹ thuật, hình ảnh, biên tập... Trong năm ngoái, phóng viên BBC đã làm việc ở hơn 150 nước, làm tổng cộng khoảng 45.000 giờ chương trình tin tức, có nghĩa là 120 giờ/ngày trên hàng loạt chương trình khác nhau. Thông qua truyền hình và phát thanh, chương trình tin tức BBC đến với khoảng 310 triệu khán thính giả trên toàn cầu. Riêng BBC điện tử bắt đầu ra mắt vào năm 1997 và mau chóng trở thành một trong những trang web phổ biến nhất trên thế giới với khoảng 300 tin, bài mới được đưa lên mỗi ngày. Một điều đáng chú ý khác, BBC không có quảng cáo mà lấy nguồn kinh phí chủ yếu từ các bản quyền xem truyền hình.

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.