Thanh niên xung phong tiến lên Tây Bắc

16/02/2004 23:17 GMT+7

Được thành lập từ ngày 15/7/1950 theo chỉ thị của Bác Hồ kính yêu, trải qua mấy mùa chiến dịch, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) công tác của Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc gồm 225 cán bộ, đội viên đầu tiên từ núi Hồng (Yên Lãng, Thái Nguyên) làm lễ xuất quân phục vụ chiến dịch Biên giới tháng 9/1950 thắng lợi.

Tháng 10/1950, Trung ương Đoàn chỉ đạo phát triển đội TNXP công tác thứ hai với 1.737 đội viên trực tiếp phục vụ các chiến dịch lớn như chiến dịch Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến dịch Trung thu), chiến dịch Hoàng Hoa Thám (còn gọi là chiến dịch đường 18), chiến dịch Quang Trung (còn gọi là chiến dịch Hà Nam Ninh)...

Từ đó hình ảnh bộ đội cụ Hồ cùng với TNXP gắn bó với nhau như hình với bóng; lực lượng TNXP luôn bám sát các đại đoàn 312, 320, 316, 351... để mở đường, sửa cầu, làm kho, tải đạn, tải lương, vận chuyển vũ khí, đưa thương binh về tuyến sau, giúp bộ đội thu dọn chiến trường, đặc biệt là tham gia đảm bảo giao thông cùng với bộ đội công binh.

Ngày 20/3/1951, Bác Hồ kính yêu trên đường đi chiến dịch đã đến thăm các cháu TNXP thuộc liên phân đội 312 đang sửa cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Trong ánh lửa trại bập bùng, Bác đã tặng các TNXP bốn câu thơ sau:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên".

Thế hệ trẻ nước ta coi đó là lời căn dặn của Người, là phương châm tu dưỡng, hành động của mọi đoàn viên, đội viên, thanh niên.

Cuối năm 1953, Bác Hồ cho phép thành lập Đoàn TNXP, lấy mật danh là "Đoàn X.P" với lực lượng hàng vạn cán bộ, đội viên tổ chức theo 3 cấp: đoàn, đội, đại đội. Mỗi đại đội, đội có chi đoàn, liên chi đoàn Thanh niên cứu quốc làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành chung toàn đoàn. Với sự quan tâm đặc biệt, Bác cử đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác làm đoàn trưởng và đồng chí Tạ Quang Chiến, một trong những cán bộ chủ chốt của đơn vị bảo vệ trung ương làm Đội trưởng đội 36 thuộc Đoàn X.P, một đơn vị điển hình của đoàn.

Lúc ấy, để lên Tây Bắc, TNXP phải vượt qua 2 phà Chợ Bờ và Suối Rát cách nhau 12 km ngăn cách bởi đèo Hút Gió dài 5 km. Đây là 3 điểm bị máy bay địch đánh phá ngày đêm. Trên đoạn đường này, từ Km số 6 đến Km số 10 là trọng điểm ác liệt nhất. Cầu Phố Vãng nhỏ nhoi nối Quốc lộ 15 với Quốc lộ 41 dẫn vào Tây Bắc, địch coi đây là nút chặn hiểm yếu nên càng ra sức đánh phá. Người và phương tiện phục vụ chiến đấu, trong đó có không ít lực lượng TNXP từ 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa muốn lên Tây Bắc đều phải qua "cửa tử" này. Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi điều kiện theo lệnh trên, các đơn vị tiền tiêu của Đoàn X.P gồm phần lớn là anh chị em TNXP dân tộc Mường đã nêu cao tinh thần dũng cảm, bền bỉ bám đường theo từng tốp nhỏ khi phân tán, khi tập trung tay không rời cuốc, xẻng cả ngày lẫn đêm... Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Việc đảm bảo cung cấp lương thực, đạn dược cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật từng ngày, từng giờ... Không kém tình hình chiến đấu. Vì vậy kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể giải quyết được vấn đề đặc biệt khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh vĩ đại của một dân tộc, sức mạnh của nhân dân".

Thật vậy, Đoàn X.P đã đưa đến Điện Biên Phủ 18.200 cán bộ và đội viên để làm tất cả những việc cần thiết phục vụ chiến đấu theo yêu cầu của trên. Các anh, các chị đã có mặt trên những điểm nóng nhất, làm những việc tưởng không ai làm nổi với tinh thần "đào núi và lấp biển" trong bài thơ Bác Hồ tặng các TNXP.

Chỉ cần kể câu chuyện phá thác của các đại đội TNXP thuộc hai đội 40 và 34, chúng ta có thể hình dung một phần nào công tác đảm bảo giao thông trong thời kỳ đó. Trong số các phương tiện chở hàng lên Điện Biên, chúng ta dùng cả thuyền nan và thuyền gỗ. Vấn đề đặt ra là cả ba dòng sông: sông Đà, sông Mã, sông Nậm Na về mùa khô tuy không hung dữ nhưng đầy thác và ghềnh. Để các loại thuyền có thể lướt trên sông thì cần phải phá thác. Chuyện phá hàng chục, hàng trăm thác lớn, nhỏ để mở con đường thủy trên 3 dòng sông nói trên xưa nay chưa ai nghĩ tới. Lần đầu tiên để đưa thuyền tiếp vận cho Điện Biên, lực lượng TNXP đã xung phong đảm đương cùng với bộ đội công binh phá thác và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Chuyện mới nghe tưởng chừng không thật, nhưng chúng ta đã có những anh hùng phá thác và con đường thủy ấy đã vận chuyển lên Điện Biên một số hàng đặc biệt không nhỏ. Kỳ tích đó thuộc về các đơn vị TNXP, các anh bộ đội công binh trong những ngày tháng "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".  

(*) Bài viết phục vụ cuộc thi “m vang Điện Biên” do T.Ư Đoàn tổ chức: 

Văn Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.