Chỉ một lần thấy mình là phụ nữ
Ở một đất nước Hồi giáo mà phụ nữ bị kìm kẹp tối đa trong bao nhiêu năm dài, Jalal lại là một bác sĩ nhi khoa có trình độ và cũng là giảng viên y khoa tại Trường đại học Kabul. "Lần duy nhất trong đời tôi cảm thấy mình là phụ nữ khi phong trào Taliban cầm quyền. Tôi đang giảng dạy tại Trường đại học Kabul thì bị cấm cản. Họ bảo tôi hãy cút về nhà và ở yên tại đấy". Jalal đã không chịu khuất phục. Mặc dù không thể đến trường nữa nhưng bà tham gia làm việc cho LHQ và Chương trình lương thực thế giới (WFP) trong điều kiện hết sức ngặt nghèo từ năm 1996-2001.
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh em, Jalal chẳng thấy mình thua kém các anh trai chỗ nào mà trái lại: "Tôi thường làm mọi chuyện giỏi hơn họ". Còn ở trường học thì "tôi cảm thấy rất thú vị khi cạnh tranh với các bạn học nam". Ở tuổi 41, bà đã có 3 đứa con. Chồng Jalal chính là người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà. Riêng cha mẹ Jalal thì không ưa chính trị tí nào nhưng chẳng thể cản nổi cô con gái "bất kham" của họ. Ngay khi chế độ Taliban hà khắc sụp đổ vào năm 2001, Jalal đã hất tung tấm khăn choàng che mặt của phụ nữ Afghanistan, không chỉ để được tự do bước ra đường mà còn để tham gia định hướng tương lai của đất nước mình. 2 năm trước, bà là đại biểu của Kabul tham dự một hội nghị khẩn cấp quan trọng về Afghanistan. Bà đã tranh cử chức tổng thống lâm thời và làm cả nước ngỡ ngàng với kết quả về nhì. Ứng viên chiến thắng là ông H.Karzai đã mời bà làm phó tổng thống lâm thời, nhưng Jalal từ chối với lý do không muốn tham gia vào một chính phủ mà theo bà có dính líu quá sâu với các tướng lĩnh quân sự.
“Đừng hỏi tôi chuyện thất cử”
Khi chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu hôm 7/9 vừa qua, trong khi 17 ứng viên nam còn chưa khởi động, Jalal đã tổ chức 2 cuộc tuần hành đầu tiên ở thủ đô Kabul với lời hứa sẽ giảm thiểu đói nghèo, mang lại hòa bình và hạn chế tình trạng vô gia cư trên khắp đất nước. Trước đó, Jalal đã tranh thủ vận động sự ủng hộ của tầng lớp có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Afghanistan: các giáo sĩ. Đáng kể nhất là buổi mít-tinh ở Ghazni (cách Kabul gần 100km). Bà đã phát biểu khoảng 20 phút trước hàng ngàn người, trong đó có tới vài trăm giáo sĩ. Chính những người từng tích cực truyền bá tư tưởng kìm hãm phụ nữ này hiện hứa sẽ ủng hộ Jalal và sau đó đưa mẹ, vợ, con gái của mình đến một buổi mít-tinh khác dành cho phụ nữ để nghe Jalal vận động tranh cử. Thông điệp của bà rất rõ ràng: "Mọi người cần một chính phủ dân sự. Trong chính phủ hiện nay, các bộ trưởng đều là tướng lĩnh mặc thường phục,... Còn tôi, tôi là một phần trong số các bạn, tôi sẽ lắng nghe các bạn. Cánh cửa nhà tôi sẽ mở rộng khi tôi làm tổng thống. Bàn tay tôi sạch sẽ, tôi sẽ loại bỏ hết các tướng lĩnh đã làm cho cuộc sống của các bạn thêm phần bi kịch. Tôi sẽ làm việc hết sức vì cuộc sống tốt đẹp của các bạn...".
Nhưng dù sao đi nữa, Jalal sẽ rất khó biến mục tiêu của mình thành hiện thực vì bà là một ứng viên tự do, không có tổ chức chính trị mạnh mẽ hậu thuẫn. Điều kiện tranh cử cực kỳ khó khăn với trụ sở là một ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn thời chiến tranh mà Jalal dùng tạm của một người bạn trong khi xe hơi cũng do một người ủng hộ cho mượn. Bà cũng không có các phương tiện cần thiết để chuyển tải các thông điệp mà chủ yếu dựa vào sự truyền miệng của các ủng hộ viên nhiệt tình. Ấy vậy mà khi được hỏi có muốn tham gia chính phủ của người khác hay không, Jalal lập tức trả lời: "Đừng hỏi tôi về chuyện thất cử, tôi đang chờ đợi chiến thắng và đã chuẩn bị để chiến thắng. Afghanistan đã sẵn sàng để có một nữ lãnh đạo”. Biết đâu, điều bất ngờ sẽ xảy ra khi mà có đến 42% cử tri đăng ký đi bầu là phụ nữ!
Kiều Oanh
Bình luận (0)