Kết thúc điều tra phần 2 vụ án Lã Thị Kim Oanh: Vì sao các cán bộ ngân hàng thiếu trách nhiệm chưa bị khởi tố ?

05/10/2004 23:13 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đưa tin về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa kết thúc điều tra phần 2 vụ án Lã Thị Kim Oanh, một số bạn đọc đã đề nghị tòa soạn thông tin cho biết, vì những lý do gì Viện KSNDTC lại đề nghị xử lý hành chính các cán bộ ngân hàng có liên quan (thay bằng xử lý hình sự) khi chính họ đã thiếu trách nhiệm trong việc cho bị cáo Oanh vay tới hơn 79,16 tỉ đồng - số tiền gây thiệt hại lớn trong vụ án này ?

18 tháng điều tra không khởi tố được bị can nào

Ngay khi phần 1 vụ án Lã Thị Kim Oanh đang trong quá trình điều tra để đưa ra xét xử, ngày 15/5/2003, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có quyết định số 21 khởi tố hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc cho vay và sử dụng vốn vay của một số cán bộ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Nội (ĐT&PTHN) và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Ba Đình (NHCTBĐ) cùng một số cơ quan khác. Cho đến nay, phần 2 vụ án đã hết thời hạn điều tra đến 3 lần (gần 18 tháng) mà các cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tố được bị can nào. Về hoạt động tố tụng, đã có dư luận cho rằng quá trình điều tra phần 1 vụ án Lã Thị Kim Oanh cũng là quá trình điều tra phần 2, tội phạm và vi phạm của 2 phần không thể tách rời nhau, vì vậy việc không khởi tố cùng một vụ án là không bình thường.

Kết quả điều tra cho thấy, trong vòng 3 năm, bị cáo Lã Thị Kim Oanh đã tham ô, cố ý làm trái, gây thiệt hại cho các ngân hàng với tổng số tiền tới hơn 79,16 tỉ đồng. Kết luận điều tra đã xác định rõ sai phạm của Ngân hàng ĐT&PTHN là không xác định được rõ nguồn gốc vốn để thu hồi công nợ của bên vay. Nhất là khi cho vay dưới hình thức "ứng trước vốn thanh toán" thì xác định nguồn trả nợ cần phải đặt lên hàng đầu, song Ngân hàng ĐT&PTHN không làm rõ được vấn đề này khi cho vay. Tờ trình của Phòng Tín dụng đề nghị giám đốc ký duyệt cho vay chỉ ghi chung chung "nguồn thu nợ được đảm bảo từ ngân sách nhà nước, khoản vay đảm bảo khả năng thu hồi gốc và lãi".

Không có ngân hàng “tiếp tay”, Lã Thị Kim Oanh không vay được tiền

Việc Ngân hàng ĐT&PTHN xác định kỳ hạn cho Công ty Tiếp thị trả nợ là không có cơ sở vì không khẳng định được khi nào Công ty Tiếp thị sẽ có nguồn vốn thanh toán trả nợ vay ngân hàng. Trong 6 khoản vay thì có tới 5 khoản vay đã không chuyển nợ quá hạn kịp thời, việc gia hạn là không đúng quy định, bởi ngân hàng cho gia hạn nợ rất nhiều lần nhưng trong hồ sơ không ghi rõ gia hạn trên cơ sở nào. Chỉ đến khi có kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì Ngân hàng ĐT&PTHN mới chuyển nợ quá hạn. Cơ quan điều tra cũng kết luận, Ngân hàng ĐT&PTHN và Chi nhánh NHCTBĐ đã thiếu các biện pháp đảm bảo việc thu hồi nợ.

Với các sai phạm nêu trên, đáng lẽ ra một số cán bộ ở 2 ngân hàng nói trên phải được cơ quan pháp luật xử lý hình sự. Nhưng cho đến tháng 9/2004, sau 3 lần gia hạn điều tra (đã quá hạn) không có một cán bộ ngân hàng nào bị khởi tố. Phải chăng phần 2 vụ án có dấu hiệu "chìm xuồng"? Được biết, ngày 12/5/2004, tại cuộc họp của các cơ quan thuộc khối nội chính, đã có chủ trương thống nhất là có đủ căn cứ khởi tố 4 trường hợp: Phạm Đình Bắc, Trưởng phòng tín dụng và Nguyễn Thế Huân, cán bộ tín dụng NHCTBĐ; Trịnh Thu Hằng, Trưởng phòng Tín dụng 3 và Lê Thị Thanh Hương, cán bộ tín dụng Ngân hàng ĐT&PTHN. Nhưng sau cuộc họp này, chủ trương khởi tố bị rơi vào "quên lãng", vì có ý kiến của Tòa hình sự TANDTC cho rằng: "Hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ Bộ NN&PTNT là nguyên nhân quan trọng trong việc xảy ra vụ án, khác với tính chất của hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng, chỉ là điều kiện dễ phát sinh hậu quả" (?).

Ngay một cơ quan thuộc khối nội chính cũng đặt một số câu hỏi cho rằng: "Nếu chỉ có sự tiếp sức của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, mà không có sự tiếp sức của các chi nhánh ngân hàng nói trên thì Lã Thị Kim Oanh có rút được tiền và phạm tội được không ? Không thẩm định đến nơi đến chốn theo đúng quy định của pháp luật thì ngân hàng có vi phạm không ? Việc bám sát đường đi của nguồn tiền cho vay có là quy định bắt buộc của ngân hàng không ? Khi doanh nghiệp vay không trả nợ đúng kỳ hạn mà ngân hàng chỉ ngồi phát hàng chục giấy thúc nợ là đã hết trách nhiệm chưa hay phải đến tận nơi xem xét và áp dụng các biện pháp thu nợ theo quy định của pháp luật như kê biên xiết nợ ? Việc cho một doanh nghiệp nhận nhiều tiền mặt có vi phạm gì không?".

Được biết, trong một cuộc họp sắp tới của các cơ quan chức năng về phần 2 vụ án Lã Thị Kim Oanh, những vấn đề nêu trên sẽ được đặt ra để có hướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ án này.

Nhóm PV Nội chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.