Tháng bảy mưa rào. Những thửa ruộng đã được cày bừa, nước xâm xấp. Chúng tôi rủ nhau đi bắt cua bóng. Bữa canh cua mẹ nấu làm sáng bừng các khuôn mặt trong bữa ăn. Cha vui vẻ kể chuyện ngày xưa, mấy đứa em líu tíu.
Khi lên mười tôi mới có khái niệm về chợ. Ấy là do tôi được theo mẹ đi hai lần. Một lần khi tiết trời đã sang thu, nắng trong veo. Chợ họp dưới những gốc chay già. Những người bán hàng ngồi dưới những tán chay. Nắng chiếu qua vòm lá thả những quả bóng tròn trong veo làm mặt người rạng rỡ. Bên cạnh chợ là khoảng đất trống, những cây dứa dại mọc tốt um. Nắng chiếu lấp lóa trên những lá dứa. Phản lại là một màu xanh êm ả đến gây lòng. Lần thứ hai vào giáp tết, chợ họp trong sương lạnh. Mỗi lần nói như phả ra một làn khói, những vòng tay như cố thu nhỏ lại trên miệng thúng, miệng rổ.
Rồi bẵng đi, tôi không còn nhớ có còn theo mẹ đi chợ lần nào nữa không. Cho đến cái ngày hôm ấy, cả làng tôi tưng bừng kéo nhau đi cưới chợ. Lũ trẻ con chúng tôi cũng rồng rắn nhau đi. Chúng tôi đi men theo đường làng, nghỉ chân dưới bóng hai cây gạo mọc giữa đồng. Rồi đi một thôi nữa mới đến chợ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy cảnh nhộn nhịp, vui vẻ đến vậy. Trên một khoảng đất rất rộng, người ta lát gạch đỏ. Từng nhóm hàng ngồi gần nhau. Chỗ này toàn rau, chỗ kia hàng xén. Đặc biệt, có những gian nhà nhỏ, ở đó tỏa ra những mùi thơm nức. Tôi thấy lũ trẻ cứ đứng xúm ở các ô cửa để ngó vào trong. Tôi cũng lại gần một ô cửa, nắm chặt chấn song để ngó vào. Trong đó có một cái bếp to, có nồi nước sôi sùng sục. Trên bàn có chiếc thớt và một con dao to. Người ta thái, người ta đập chí chát. Những gương mặt ngồi trước cái bát bốc khói có vẻ hỉ hả. Tôi nghe rõ một tiếng nuốt nước bọt của thằng bé đứng bên cạnh. Tôi cũng không ghìm được, nuốt nước bọt đến ục.
Tối đấy về nhà, cha tôi vừa cười vừa hỏi:
- Hôm nay đi cưới chợ, ăn phở "ngó" có ngon không?
- Nhưng con có được ăn đâu mà. Bố ơi, đấy gọi là phở "ngó" à bố. Nó có giống với ngó cần, ngó sen không?
- Phở "ngó" ngon tuyệt trần nhé. Bố nghĩ là con được ăn rồi chứ.
- Chưa, con chưa được ăn mà. Khi nào bố cho con ăn phở "ngó" nhé.
Từ đồng đất quê nhà quanh năm chỉ trồng được cây lúa cây khoai. Mái trường đình làng cũng chỉ dạy cho đứa trẻ biết đọc biết viết rồi về cày ruộng. Bỗng nảy nòi ra tôi, một đứa trẻ học hành giỏi giang. Tôi học hết trường đình, ra trường xã rồi lên trường huyện. Tôi học một lèo, năm nào cũng được mấy bằng khen. Khi học xong phổ thông tôi được đi học nước ngoài.
Tôi về quê một tháng để nghỉ trước khi đi học nước ngoài. Năm ấy tôi mười tám tuổi. Từ cái buổi cưới chợ ấy đến khi tôi mười tám tuổi, thế giới của tôi chỉ là những trang sách. Nay tôi nhận ra xung quanh có biết bao điều kỳ lạ. Nhưng điều hấp dẫn tôi nhất là anh trai cày nhà bên. Hồi bé chúng tôi chơi vui vẻ với nhau. Rồi tôi cứ học hành lên cao. Còn anh trai cày về đi cày. Chúng tôi đã làm quen lại với nhau ở cầu ao làng khi anh đi cày về xuống rửa chân, còn tôi đi giặt áo cho mẹ.
Anh bảo tôi:
- Tay học trò mà cũng biết vò áo gụ à?
Tôi vênh mặt:
- Đây còn biết cày nữa cơ.
- Thật không?
- Chứ không à?
- Thế mai ra đồng nhé.
Tất nhiên là tôi không thể biết cày được. Nhưng trưa mai tôi đã giành phần đem cơm ra đồng cho cha đang đi cày. Cha tôi và anh đang ngồi nghỉ dưới bóng cây gạo. Ăn cơm xong cha tôi ngả mình dưới gốc cây, úp cái nón mê lên mặt ngáy khò khò. Tôi với anh ngồi nói chuyện:
- Ngân kể chuyện đi học đi?
- Chuyện đi học ư? Kể chuyện không học bài bị thầy giáo phạt nhé.
- Chuyện ấy thì tôi cũng biết rồi.
- Vậy anh kể chuyện đi cày đi.
- Chuyện đi cày có gì mà kể. Ngân có nghe chuyện ma không? Ngân có nhớ cây đa ở giếng làng không? Đấy. Một đêm trời nóng lắm tôi dậy ra giếng làng để tắm. Từ xa nhìn thấy có một cái võng đang đu đưa mắc ở những rễ đa. Vừa đưa võng vừa hát ru con. Tôi mới thấy lạ chạy lại xem thì không còn thấy gì nữa. Thì ra ma nó mắc võng ru con đấy.
- Thế anh không sợ à?
- Sợ gì chứ. Tôi còn trêu cả ma nữa đấy.
- Anh trêu ma thế nào?
- Tối nay ăn cơm xong, Ngân ra ngõ tôi sẽ chờ Ngân ở đấy, tôi chỉ cho mà xem.
Tối ấy anh trai cày đã thủ sẵn hai củ khoai nướng chờ tôi ở ngõ. Tôi vừa ăn khoai vừa bảo anh kể chuyện trêu ma như thế nào. Anh ậm ừ không nói gì. Sau anh mới nói thật anh chưa bao giờ trêu ma cả. Thế là tôi trở về. Nhưng không hiểu sao tôi rất thích ở cạnh anh. Mặc dù anh chẳng có chuyện gì để kể cả. Những chuyện về đồng ruộng anh kể veo là hết. Rồi cuối cùng tôi cũng cùng anh ngồi dưới chân gốc rơm. Anh nắm chặt tay tôi run rẩy:
- Ngân đã biết yêu chưa?
- Yêu như thế nào?
- Nghĩa là... yêu ấy mà.
- Là như thế nào cơ?
Đột ngột anh ôm chặt lấy đầu tôi kéo áp vào ngực anh. Tôi cố vùng vẫy để thoát khỏi nhưng không được. Và tôi đã nghe thấy tiếng tim anh đập âm vang trong lồng ngực. Và tôi đã cảm nhận được một tấm ngực đàn ông rắn chắc và trinh nguyên.
Tôi đi ra nước ngoài học tập. Tôi học miệt mài, học đến khô đét cả thời con gái. Trong đầu óc tôi luôn hiển hiện các khái niệm nhưng lại không có khái niệm nào là thì yêu của con gái. Học xong đại học, tôi học tiếp tiến sĩ. Cầm tấm bằng tiến sĩ trong tay tôi được một tổ chức quốc tế mời làm việc. Khi không còn bận rộn nữa, có những phút được sống với chính mình, tôi thèm khát yêu đương. Và anh trai cày luôn là nhân vật chính trong thứ tình cảm đó của tôi. Sự tưởng tượng của tôi đã chắp thêm cho anh hình bóng. Từ giọng nói của anh tôi chắp thành lời thơ. Từ vòng tay ôm của anh thành một nụ hôn nóng bỏng. Từ vồng ngực của anh thành một người đàn ông cường tráng và nồng thắm. Anh đã lấp vào khoảng trống cô đơn của tôi. Anh đã lấp đầy vào giấc ngủ khắc khoải của tôi. Tôi luôn tưởng tượng ra sự gặp gỡ đầy lãng mạn với anh. Tôi không tin trời lắm nhưng tôi cầu trời hãy dành riêng anh cho tôi.
Sau hai mươi năm tôi trở về nước, trong phái đoàn đi khảo sát văn hóa truyền thống. Thật trớ trêu, là người Việt Nam tôi lại ở trong phái đoàn của nước ngoài đi khảo sát văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Cũng phải thôi, hai mươi năm tôi đã đủ mất gốc rồi. Tôi có thể biện minh gì cho mình đây? Năm năm học đại học ở nước ngoài, tôi là niềm tự hào của cha mẹ, dòng họ. Ba năm sau là tiến sĩ, tôi là niềm tự hào của cả xã, cả huyện. Sau tám năm ấy, bằng bất cứ giá nào tôi phải trở về chứ. Dứt khoát, tôi phải trở về bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng những đồng đô la. Nhưng tôi đã không trở về. Chỉ vì một suy nghĩ nông cạn: quê tôi nghèo lắm, những đồng đô la kia sẽ giúp bớt cái nghèo phần nào. Mười hai năm xa quê cha tôi ốm nặng. Mẹ và các anh chị em gọi điện tới tấp nhắc tôi về. Tôi gửi hết những đồng đô la dành dụm được về để cho cha đi bệnh viện. Lần gọi điện cuối cùng mẹ tôi báo: Cha mất rồi. Ông ấy đi không đành vì chưa gặp được mặt con lần cuối. Tôi khóc vì từ nay không còn cha nữa.
Về nước, tôi đã được các ban ngành đón tiếp thịnh soạn. Những với cái vốn ít ỏi của một người Việt mới sống có mười tám năm lại chỉ vùi đầu vào đèn sách, bỗng chốc tôi trở thành chuyên gia văn hóa. Người ta đề cao những kế hoạch của tôi. Người ta bảo tôi rất chu đáo và hiểu biết. Vì cái sự được đề cao đó nên tôi cố phải nặn óc để nhớ cho ra một cái nét văn hóa truyền thống nào đấy mà tôi đã từng được sờ thấy. Tôi bảo: Cưới chợ. Người ta ồ lên - Chao ôi, ngần ấy năm nào chị còn nhớ được cưới chợ cơ à?
- Đấy, cái văn hóa truyền thống không được bảo tồn là mai một hết. Bây giờ chỉ toàn gọi là khánh thành chợ. À, sắp tới ở một xã sâu trong huyện xây xong một cái chợ mới. Tôi sẽ bảo họ "cưới chợ" để cho chị và các bác Tây trong đoàn xem.
Hai mươi năm, trở về nhà tôi thành xa lạ rồi. Mẹ tôi còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Bà nhìn tôi thờ ơ và lạ lẫm. Chỉ có mấy đứa cháu - khi tôi đi nó chưa ra đời - thì xoắn xuýt quanh tôi. Chúng hỏi tôi rất nhiều về nước ngoài và những đồng tiền đô.
Thực lòng, quê hương là chỗ mong manh nhất trong tâm hồn tôi. Hai mươi năm, tôi luôn đau đáu nhớ về nó. Tôi nhớ rất rõ hai cây gạo trồng trên bờ ruộng. Một cây ven bờ mương, cha hay ngồi nghỉ giữa buổi cày. Tôi nhớ như in cái cầu ao bằng phiến đá xanh sau nhà. Tôi nhớ cây na bà trồng cạnh bể nước. Và mùi ổi chín luôn thoảng về trong trí nhớ. Tôi nhớ cái lược mau mẹ băm vào da đầu tôi đau rát mỗi khi chải chấy... Từng ấy nỗi nhớ đã làm khô dần nước mắt của tôi.
Mẹ đón tôi hờ hững, tôi đau quặn lòng. Bao lần nghĩ, đêm đầu tiên về quê tôi sẽ nằm ôm lưng mẹ ngủ. Nhưng đêm đầu tiên về quê, mẹ mắc chiếc màn tuyn mới trên chiếc giường tây kê giữa nhà và bảo tôi nằm ngủ ở đấy. Trong buồng, mẹ vẫn nằm chiếc màn nhuộm gụ. Tôi trằn trọc với giấc ngủ. Nửa đêm thấy mẹ dậy thắp hương. Mẹ khóc, rồi mẹ lầm rầm khấn:
- Ông ơi, ông yên lòng nghỉ nhé. Nó xa lạ lắm rồi ông ạ. Trước lúc ra đi, ông đã mấy lần không nhắm được mắt, cứ hỏi: Nó về chưa? Nó quên mất hết rồi ông ạ. Rằng nghĩa tử là nghĩa tận. Nó tưởng rằng chỉ có người sống là biết nhớ, biết thương. Còn người chết là không biết gì. Nó đâu biết cha nó đến chết rồi còn mang nỗi nhớ, thương nó. Chết mà chẳng yên lòng. Thôi, nó về rồi đấy. Ông yên lòng ông nhé.
Nghe mẹ khấn, nước mắt tôi chảy dài trên gối. Tôi cũng thầm khóc cha: Cha ơi, cha tha thứ cho con. Con đầu xanh tuổi trẻ không biết gì. Nay con về, có lớn mà đâu có khôn. Cô con gái Việt mười tám tuổi ấy vẫn là con đấy thôi.
Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy que hương mẹ cắm cháy sáng bùng lên. Nhìn lên ảnh cha, thấy như cha đang cười. Lại thấy như có ai đang vuốt tóc mình. Rồi thấy lòng thanh thản lạ. Thiếp vào giấc ngủ.
Y hẹn, một ông ở ban văn hóa dẫn chúng tôi đi xem cưới chợ. Vùng quê này cũng giống như vùng quê tôi ngày xưa, còn hoang vu lắm. Lũ trẻ con chạy chân trần. Quần áo, cái cộc, cái rách hở cả da bụng. Chợ được xây ở giữa khoảng đất trống. Có khác cái chợ ngày xưa là láng ximăng, những mái nhà lợp bằng phibrôximăng. Những hàng rau, hàng cá, hàng tôm, hàng dao, kéo, hàng con giống con má. Tôi đi giữa các hàng để mong ước gặp lại tuổi thơ của mình. Lũ trẻ con cũng tung tăng chạy giữa các hàng. Bỗng một mùi thơm thu hút tôi. Mùi của quá khứ ư? Không, tôi đã quen với mùi này. Mùi phở bò. Tôi đã nhìn thấy một dãy nhà nho nhỏ tỏa ra cái mùi thơm ấy. Tôi cũng đã thấy lũ trẻ con đang đứng ép nhau vào cái cửa sổ nhỏ nhìn vào. Tôi bật cười: Phở ngó. Phải, đến khi tôi đi Tây học cha mới giải thích cho tôi: Phở ngó và bánh phỉnh là thế nào. Đứng ngó vào nhìn người ta ăn phở là phở ngó. Còn được người ta khen nịnh cho mấy câu là bánh phỉnh.
Tôi cũng đứng cùng với đám trẻ con để "ăn" phở ngó. Trong kia chỉ có khoảng bốn, năm người đàn ông đang ăn phở. Không hiểu vô tình hay hữu ý người ta cứ quay mặt vào tường để ăn chứ không quay mặt ra cửa sổ. Tôi đang vơ vẩn nghĩ tại sao lại thế thì đột nhiên nghe tiếng kêu: Ôi chết rồi, ông kia làm sao vậy? Một người đang ăn ngã ra trên ghế băng. Chủ quán cùng mấy người khách ăn đổ xô vào chỗ người ngã. Tôi cũng chạy vào xem sao. Người ngã mặt tím, môi tái nhợt. Bát phở người đó ăn đã hết nhưng vẫn còn bốc khói. Một người nói: Hô hấp nhân tạo đi, chắc là chết nghẹn đấy.
Người ta khiêng người đàn ông để nằm xuống đất. Một người đàn ông quãng độ hơn bốn mươi gầy gò, đen sạm. Một người bóp miệng người bị nạn thổi vào. Một người ấn tay đè lên ngực. Một người hô to:
- Chủ quán ơi, xem có trạm y tế gần đây không? Chắc anh ta chết mất.
Bọn trẻ con bắt đầu túa vào đầy phòng. Trong đám có hai đứa trẻ bỗng khóc ầm lên:
- Bố ơi, bố ơi, bố bị làm sao thế hả bố? Bố bảo bao giờ cưới chợ bố cho đi xem. Cưới chợ có phở bò, ăn hay chết nghẹn lắm. Nhưng ăn phở ngó thì không việc gì đâu. Sao bố không ăn phở ngó ấy. Bố ơi, bố tỉnh dậy đi.
Tôi rưng rưng nước mắt khóc theo lũ trẻ. Trước khi quay ra, tôi nhìn người đàn ông bị nạn một lần nữa. Cúc áo ngực anh ta bung ra hết để hở một cái bớt màu đỏ đập tóe vào mắt tôi. Tôi luống cuống ôm thằng bé đang khóc hờ hỏi:
- Bố cháu tên là gì?
- Bố cháu tên là Chạc.
Trời ơi, đây có phải là Chạc, anh trai cày của tôi không?
Tôi đờ đẫn rút ví, vét hết những đồng tiền trong đó giúi vào tay thằng bé. Tiền, lại tiền. Tiền bây giờ còn có ích gì nữa không? Rồi tôi đi như chạy ra khỏi cái chợ đang cưới. Tôi ngửa mặt than trời: Trời ơi, sao ông ác thế. Cuộc đời ai cũng có một bệ thờ, một điều thiêng. Sao ông nỡ đập bể bệ thờ của tôi như thế. Tôi sẽ sống tiếp thế nào đây? Trời trên kia tít mắt nhìn tôi: Chỉ vì đồng tiền của cô đến không đúng lúc thôi. Nếu trước đó mười phút cô cho những đứa trẻ kia tiền để chúng ăn phở bò chứ không phải phở ngó. Khi đó cha chúng sẽ không phải vừa ăn vừa sợ con đến nỗi nuốt vội vàng như thế để chết nghẹn.
Y Ban
Bình luận (0)