Sức hút dư luận
Các hiện tượng lạ thường như ngoại cảm, gọi hồn, ma nhập hay chữa bệnh tâm linh... luôn là những chủ đề nóng bỏng trong dư luận. Thăm dò dư luận vài năm gần đây cho thấy, khoảng 2/3 số dân Mỹ tin các hiện tượng trên có thật. Kỳ lạ là giới trí thức còn tỏ ra hăng hái hơn, khi một nghiên cứu năm 1978 chứng tỏ, trong 1.100 giảng viên đại học và cao đẳng, chỉ 1/4 số người bác bỏ các hiện tượng dị thường. Giới tâm lý tỏ ra có lý khi cho rằng, con người thường thì thích nghe và dễ tin các hiện tượng lạ thường, "siêu nhiên", những hiện tượng dường như nằm ngoài khả năng nhận thức! Điều đó thực ra không lạ vì người nguyên thủy nhìn đâu cũng thấy thánh thần và ma quỷ. Trải hàng triệu năm tiến hóa, cái nhìn đó đã lặn sâu vào vô thức, vào bản chất "tiên thiên" của mọi người.
Kinh nghiệm nước ngoài
Việc nghiên cứu tâm linh một cách khoa học được bắt đầu từ 1882, khi Hội Nghiên cứu tâm linh được thành lập ở Anh, với việc thu thập các chứng cứ, kể cả thông tin báo chí (như ở ta hiện nay). Nhưng người ta sớm nhận ra rằng, đó không phải là nguồn tin đáng tin cậy, vì người cung cấp thường bị định kiến chi phối, ở đây là bản chất “tiên thiên” nói ở trên. Vì thế bên cạnh việc nghiên cứu tại thực địa, giới tâm linh học cũng tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Ban đầu là những nghiên cứu thô sơ như bói bài hay tung đồng xu. Vài chục năm gần đây là các kỹ thuật tinh vi hơn như đoán màu ánh sáng trước khi một thiết bị điện tử phát sáng ngẫu nhiên một trong bốn màu; hoặc gửi hình ảnh một trong bốn bức tranh cho nhà ngoại cảm ở buồng bên cạnh, với xác suất ngẫu nhiên là 25%. Trải hàng triệu lần thử nghiệm, giới tâm linh học đưa ra một độ lệch tuy nhỏ nhưng tin cậy, khoảng 28-34%, chứng tỏ tiên tri hay đọc ý nghĩ có thể có thật. Tuy nhiên, khi giới nghiên cứu trung gian tiến hành thử nghiệm với cùng thiết bị và phương pháp, họ không thể lặp lại kết quả! Vì thế họ cho rằng, hoặc số liệu bị sửa, hoặc chưa ngăn chặn được sự rò rỉ thông tin, một cách vô tình hay hữu ý.
James Randi thực hiện được nhiều hiện tượng "tâm linh" nhờ ảo thuật. |
Kinh nghiệm tại Việt Nam
Ở ta việc nghiên cứu bắt đầu manh nha, theo cách thấy sao ghi vậy, như tại Anh năm 1882. Như đã nói, đó là phương pháp không thỏa đáng. Vì thế nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên được cho là người có khả năng tìm mộ từ xa (tỷ lệ 70%!) hay cô đồng Phương có khả năng "gọi vong" người chết. Và tuy kiến thức kém xa các nhà khoa học, nhưng một phóng viên đã khám phá sự thật khi cô đồng chỉ kể về một người đã khuất bằng trí tưởng tượng. Điều đó cho thấy, trong các hiện tượng lạ, kiến thức không quan trọng bằng niềm tin. Nếu tin là có linh hồn thì ta sẽ thấy vô số bằng chứng từ giới đồng cốt, nếu không tin thì ngược lại. Tin là thấy là quy luật vàng của tâm lý con người, nhất là trong các hiện tượng dị thường. Bạn đọc có thể tìm cuốn Tâm linh dưới góc nhìn khoa học, NXB Thanh Niên, 2002, trang 43-54 để biết thêm chi tiết. Giới ngoại cảm tìm mộ có chung một đặc điểm: tăng cường niềm tin để khuyến khích sự tìm kiếm, càng cố gắng thì càng thành công.
Đó cũng chính là đặc trưng nổi bật của các trị liệu tâm thể như khí công, yoga, thiền, thôi miên, nhân điện, ám thị và tự kỷ ám thị... Tin thì giảm bệnh chính là quy luật vàng của các trị liệu này. Vì thế khoa học gọi đó là các trị liệu niềm tin. Đó là kết quả của tâm lý liệu pháp (có tác dụng trên khoảng 40% số người bệnh), hiệu ứng mẹ Tereza (hệ miễn dịch được tăng cường khi xem phim về nữ tu sĩ đoạt giải Nobel năm 1979) hay vô thức tự chữa bệnh, và một số cơ chế khác cần nghiên cứu thêm.
Khí công có tác dụng chữa bệnh qua thư giãn và trị liệu nhóm. |
Trước tiên là khía cạnh khoa học. Câu hỏi đặt ra cho giới chuyên môn là khu vườn có tác dụng chữa bệnh hay không, và nếu có thì tại sao? Như bất cứ khu vườn nào khác, có lẽ nó có tác dụng ở một mức độ nào đó trên 30-40% số bệnh nhân, nhất là với rối loạn chức năng hoặc bệnh chịu nhiều ảnh hưởng của cảm xúc hay căng thẳng như cao huyết áp, hen suyễn, tiểu đường, suy nhược thần kinh...
Có ba cách lý giải tác dụng giảm bệnh của khu vườn, nếu có. Trước tiên là niềm tin, vì tin là giảm bệnh, không ít thì nhiều. Thứ hai là tác dụng của thiền định hay một kiểu của hiệu ứng mẹ Tereza, khi nhiều người tụng niệm hay cầu nguyện trong vườn. Hiện khoa học thấy rằng, khi thiền định hay đang trải nghiệm các kinh nghiệm tâm linh, các cấu trúc não liên quan với chức năng sống cơ bản (dưới đồi, hạch hạnh hay hồi hải mã) sẽ được kích thích, dẫn tới tác dụng có lợi cho sức khỏe. Thứ ba là trị liệu nhóm, một liệu pháp tâm lý. Khi người bệnh họp nhau lại, họ có thể tâm sự, chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Khi đó sự căng thẳng giảm, sức đề kháng tăng, do đó bệnh tật giảm đi. Và thể trạng cùng chất lượng sống tăng lên ít nhiều.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, người bệnh không cần kéo về khu vườn cho tốn công tốn của. Họ có thể phục hồi sức khỏe ngay tại nhà khi luôn vui vẻ, lạc quan, tin yêu cuộc sống để nhận ra tác dụng chữa bệnh của niềm tin. Để kích thích hệ miễn dịch và nâng sức đề kháng, họ có thể nghe nhạc cổ điển, xem tranh, đọc sách về gương người tốt, thăm chùa hay nhà thờ, dạo mát ở miền quê... Nếu không tín ngưỡng và không biết thiền, thì có thể dùng phương pháp Benson khi ngồi nhắm mắt trong phòng yên tĩnh, đủ tối, thầm đếm đi đếm lại "một hai ba, một hai ba...". Với hai lần, mỗi lần 15 phút hằng ngày, phương pháp này giúp giảm nhịp tim, nhịp thở, điều hòa huyết áp, giảm nhu cầu oxy của cơ thể 20%. Và hãy tích cực tham gia hoạt động xã hội cùng các đoàn thể để thu được lợi ích từ trị liệu nhóm. Khi đó thì khu vườn nào cũng có thể là “khu vườn chữa bệnh” vậy.
Cuối cùng là khía cạnh triết lý của vấn đề. Y học hiện đại quan tâm nhiều tới mối liên hệ từ dưới lên, từ thể tới tâm, với quan niệm một tâm hồn khỏe mạnh trong một thân thể khỏe mạnh. Y học truyền thống quan tâm nhiều tới chiều từ trên xuống, với quan niệm tâm khỏe thì xác khỏe. Triết học duy vật biện chứng xem vật chất quyết định tinh thần, đồng thời cũng xem tinh thần tác động vật chất. Hippocrate, ông tổ của y học, từng dạy ta rằng, bệnh tật là cuộc đấu tranh giữa "chất gây bệnh" và sự “tự chữa bệnh” của cơ thể. Vì thế trong các hiện tượng lạ, không nhất thiết tìm kiếm các nguyên nhân bên ngoài như điện từ trường hay tia phóng xạ, mà nên theo dõi các quá trình bên trong như niềm tin, sự thoải mái, lòng vị tha, tình thương yêu hay nỗi đồng điệu.
Đỗ Kiên Cường
Bình luận (0)