Thế giới ngầm của Frank Sinatra - Kỳ 2: Lời đề nghị khó có thể chối từ

27/10/2004 22:42 GMT+7

Giống như nhân vật có đầu óc viễn tưởng Johnny Fontane trong The God Father của Mario Puzo, khi còn trẻ Frank Sinatra cũng phát hiện ra đầu óc gia trưởng nơi Willie Moretti - một bố già ở New Jersey. Sinh năm 1894, Moretti dùng biệt danh "Willie Moore" của mình để cung cấp dịch vụ cơ bắp cho Longy Awillman - một tay tổ về nghề moi tiền bằng đủ thứ mánh khóe và cũng là "bạn hàng" lâu năm của Moretti.

Ở thời đỉnh cao quyền lực, Moretti chỉ huy cả một đội quân hơn 60 sát thủ sẵn sàng tuân lệnh, lấy mạng bất kỳ ai. Ngoài những hợp đồng giết mướn, tống tiền và chứa chấp cờ bạc, Moretti còn đặc biệt chú trọng đến thị trường nha phiến và hắn thường xuyên hợp tác rất tích cực với các tay trùm ở New York như Lucky Luciano, Joe Adonis và Frank Costello - thằng bạn nối khố từ thuở nhỏ.

Đóng quân ở hạt Bergen, New Jersey, chỉ cách Manhattan một con sông, Moretti chú tâm đầu tư tiền của vào các sòng bài, rộng cửa thu hút khách làng chơi thâu đêm suốt sáng. Hắn cũng đã nghe qua một giọng ca trẻ trữ tình, lãng mạn trong một chuyến đến Hoboken và thực sự bị cuốn hút bởi tài năng của Frank Sinatra. Lúc đó, Sinatra đã xuất hiện trên sóng phát thanh của đài NBC với ca khúc Major Bowes and his Original Amateur Hour cùng với nhóm nhạc Hoboken Four (1935), nhưng giờ đây, anh đang cố gắng phát triển sự nghiệp solo của mình. Nắm bắt điều ấy, Moretti nhanh chóng ra tay ủng hộ bằng cách thuê Sinatra về hát cho mình ở một sòng bạc có tiếng bên dòng Hudson. Có điểm tựa, Sinatra nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Rustic Cabin và sau đó những liveshow của anh liên tục được phát sóng trên đài Englewood Cliffs.

Năm 1935, Sinatra ký hợp đồng với tay kèn trumpet Harry James để bắt đầu thành lập nhóm nhạc cho riêng mình. Với tài ăn nói mượt mà, gợi cảm, Sinatra hớp trọn hồn khán giả mỗi khi anh trò chuyện với họ. Hàng ngàn thiếu nữ bắt đầu cảm thấy mê mẩn chàng ca sĩ mảnh dẻ, và cứ thế, hôm nào có Sinatra biểu diễn, họ lại kéo đến đông nghịt. Lúc bấy giờ, tay kèn nổi tiếng nhất nước Mỹ - Tommy Dorsey, nhận thấy tiềm năng của Sinatra đã đánh tiếng mời anh về hát chính trong ban nhạc của mình. Một lời đề nghị quá hấp dẫn, Sinatra không thể chối từ và James cũng vui vẻ để anh ra đi. 24 tuổi đời, Sinatra có vẻ như "choáng váng" với những thành công của chính mình. Anh vội vã ký kết những điều khoản ràng buộc mình vĩnh viễn với ban nhạc của Dorsey. Theo đó, Sinatra sẽ phải trả cho Dorsey 1/3 tổng số tiền kiếm được trong suốt đời, cộng thêm 10% môi giới cho đại diện của Dorsey. Với những điều khoản này, 43% tổng thu nhập của Sinatra mãi mãi sẽ thuộc về Tommy Dorsey cùng người đại diện.

Những năm đầu thập niên 40, Sinatra phát hành khá nhiều album ca nhạc, trong đó có All Or Nothing At All (thu với Harry James) và I'll Never Smile Again. Nhạc của Sinatra "phong tỏa" hầu hết trong các liveshow Your Hit Parade trên radio và hình ảnh anh tràn ngập trên bìa tạp chí, nhật báo, thậm chí - trên cả gương mặt của các fan hâm mộ. "Cơn sốt" Sinatra dấy lên dường như không có giới hạn nhưng không bao lâu, anh cảm thấy bực tức với bản hợp đồng lỡ ký. Lẽ đương nhiên, Sinatra muốn anh phải là mỏ vàng của mình, chứ không phải để Tommy Dorsen đào bới.

Năm 1943, đại diện của Sinatra cố gắng đàm phán với Tommy Dorsey để giải thoát thân chủ ra khỏi bản hợp đồng quái ác. Dorsey được đề nghị nhận 60.000 đô la để hủy hợp đồng nhưng sau nhiều lần đàm phán, tay này vẫn kiên quyết từ chối. Nhiều người đã khuyên Dorsey không nên "bắt chẹt" như vậy, nhưng cũng có nhiều lời dọa dẫm - rằng bố già Willie Moretti của Sinatra sẽ ra tay. Bản thân Sinatra bác bỏ khả năng mình là tác giả của những lời dọa dẫm này và khẳng định vụ việc "không dính dáng gì đến Moretti". Nhưng sau đó, chính Moretti khoe là đã dẫn vài đàn em đến "viếng thăm" nhà Dorsey ở Los Angeles, xáng báng súng thẳng vào đầu Dorsey và thọc họng súng vào miệng anh chàng thổi kèn hay nhất nước Mỹ, buộc phải phóng thích Sinatra ra khỏi bản hợp đồng với giá... 1 đô la. Năm 1951, Dorsey đã kể về "tai nạn" trên với tạp chí American Mercury, cho biết mình đã bị 3 gã đàn ông buộc - theo người viết tiểu sử Sinatra Randy Taraborrelli - "khôn hồn thì xé bỏ hợp đồng bằng không sẽ toi mạng".

Thêm một chi tiết đáng lưu ý khác là sau đó, nhiều tin đồn râm ran cho rằng "bố già" của Sinatra còn mò đến Harry Cohn - chủ hãng Colombia Pictures, buộc ông này phải dành cho Sinatra một vai diễn trong bộ phim về chiến tranh From Here Enternity. Nhưng không giống như nhà sản xuất hay gây gổ trong tiểu thuyết của Mario Puzo, Cohn không phải thức giấc với một cái đầu ngựa trên giường. Thực tế, Sinatra vẫn phải lobby khá kỹ để giành được vai diễn. Và đây cũng là thời điểm phát hiện thêm ở Sinatra một biệt tài khác. Năm 1954, From Here Enternity đã giúp anh giành giải Oscar dành cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Sau đó Sinatra còn đóng hàng chục phim khác và đặc biệt thành công trong The Manchurian Candidate (1962).

Lê Huỳnh Lê

Đón xem kỳ 3 trên Thanh Niên ngày mai: Làm rể mafia và cuộc chơi với ông trùm số 1 thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.