Bao phen chạy trốn
Trong khi thủ tục kiểm phiếu sắp hoàn tất, Tổng thống tạm quyền Hamid Karzai đã nắm hơn 50% phiếu bầu. Được Mỹ ủng hộ, được nhân dân tín nhiệm và được các đối thủ tôn trọng, "ngài ôn hòa" Karzai không gặp trở ngại lớn nào trên con đường trở thành vị tổng thống dân cử đầu tiên sau một thời kỳ dài đầy nhiễu nhương trên đất nước Trung Á.
Sinh năm 1957 tại thành phố Kandahar, miền Nam Afghanistan, Hamid Karzai sau đó cùng gia đình chuyển tới Kabul. Tốt nghiệp trung học, ông đến Ấn Độ học chính trị và tham vọng quyền lực bắt đầu phôi thai trong tư tưởng của chàng trai gốc Kandahar từ thuở đó. Rời Ấn, ông bay sang Pháp học báo chí. Sau khi cóp nhặt đầy túi kiến thức Đông - Tây, Karzai trở về Afghanistan với tham vọng tiến thân bằng con đường chính trị nhưng hoàn cảnh đất nước lúc đó không cho phép giấc mơ này thăng hoa. Vào những năm 1980, khi quân đội Xô Viết đến Afghanistan, Karzai lánh sang Pakistan tị nạn. Vào thời "hậu Xô Viết", ông lại về nước để thực hiện những tham vọng còn dang dở. Thế nhưng, tiếng súng man rợ của Taliban đã dập tắt ước mơ đó. Một lần nữa, người đàn ông Kandahar phải chạy sang Pakistan nương náu. Khi Mỹ tấn công Taliban hồi năm 2001, Karzai cùng những chiến binh lưu vong thâm nhập miền Nam Afghanistan. Chế độ Taliban sụp đổ cùng với việc thủ lĩnh Liên minh miền Bắc Ahmad Shah Masood bị ám sát, Karzai nghiễm nhiên trở thành nhân vật triển vọng nhất trong mắt người Mỹ. Thế là chiếc ghế tổng thống lâm thời Afghanistan được trao cho ông.
Bắt tay với Taliban và hai lần thoát chết
Karzai được người Mỹ tin dùng nhưng ít ai biết rằng ông này đã hơn một lần có ý định hợp tác với Taliban. Năm 1996, khi xe tăng của Tổ chức Sinh viên Hồi giáo làm chủ Kabul, Karzai được mời làm đại diện cho chính quyền Taliban tại Liên Hiệp Quốc. Sau vài tuần lưỡng lự, cuối cùng ông quyết định từ chối lời mời này và lánh sang vùng Quetta ở miền tây - nam Afghanistan. Khi Taliban ngày càng bộc lộ bản chất tàn bạo, Karzai công khai các hoạt động chính trị và cuối cùng tiến vào Afghanistan thành công nhờ việc đoàn kết được các bộ lạc miền Nam. Trong chiến dịch tấn công vào Kabul, Karzai suýt sa lưới Taliban tại tỉnh miền Trung Uruzgan hồi năm 2001. Sau khi lên làm tổng thống, ông là một trong những nhân vật được bảo vệ kỹ nhất thế giới. Xung quanh Karzai luôn có một đội vệ sĩ hùng hậu gồm cả người Afghanistan lẫn người Mỹ. Thế nhưng, tàn quân Taliban vẫn tìm được những kẽ hở để tấn công. Tháng 12/2003, tức chỉ 5 tháng sau khi Phó tổng thống H.A.Qadir bị Taliban hạ sát ngay giữa lòng Kabul, một kẻ vũ trang đã xả súng vào đoàn xe của Karzai khi ông trở về quê nhà Kandahar. Đầu tháng 9/2004, phiến quân lại nã một quả rocket gần địa điểm máy bay của Karzai dự định đáp xuống bên ngoài thủ đô Kabul. Nhiều lần thoát chết trước mũi súng Taliban, Karzai vẫn tiếp tục chính sách hòa hợp dân tộc và cho rằng đó là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng xung đột bạo lực. Điều này cho thấy Karzai hiểu rất rõ những mâu thuẫn trong lòng Afghanistan dù thời gian ông sống ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Tháng 4/2004, ông mời cựu Tư lệnh Taliban Mullah Dadullah hợp tác nhưng nỗ lực này đã thất bại khi Dadullah thề sẽ tiếp tục cầm súng: "Ông ta (Karzai) muốn Taliban chia rẽ. Chúng tôi có một lực lượng rất mạnh, riêng tôi hiện có trong tay 500 quân".
Trước mặt là một cuộc chiến
Kết quả chính thức chưa được công bố nhưng chiếc ghế tổng thống hầu như đã nằm trong tầm tay của Karzai. Các ứng cử viên đối thủ cũng lên tiếng thừa nhận thắng lợi của ông. Bước vào dinh tổng thống, Karzai đã thực hiện được giấc mơ quyền lực thời trẻ. Thế nhưng, khi đặt chân vào đó, người đàn ông Kandahar này sẽ phải đối đầu với những thách thức lớn. Xung đột bạo lực đã cướp đi khoảng 900 sinh mạng tại Afghanistan kể từ đầu năm nay. Tình trạng buôn bán và trồng thuốc phiện lan tràn, chủ nghĩa cát cứ ngày một phình to, bên cạnh đó là nạn đói nghèo, tật bệnh và sự xuống dốc của một nền kinh tế vốn chỉ dựa vào ma túy và tiền viện trợ. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người tại nước này chỉ 300 USD/năm; 86% trên tổng số 28 triệu dân không biết chữ. Song song với việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, ông Karzai còn phải củng cố lại lực lượng cảnh sát và quân đội, thuyết phục khoảng 40.000 tay súng chống đối từ bỏ vũ khí. Đó là những nhiệm vụ hết sức cam go và vượt quá năng lực của chính quyền Kabul. Mỗi khi chưa tự giải quyết được những vấn đề của mình, ông Karzai còn sẽ phải nhờ đến sự giúp đỡ của người Mỹ và lực lượng nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa xung đột bạo lực trên mảnh đất Trung Á còn kéo dài bởi quân Taliban gần đây tuyên bố sẽ "chống lại sự hiện diện của người ngoại quốc, kể cả những người không liên quan đến quân sự".
Đỗ Hùng
(Theo AFP, PakTribune, IOL)
Bình luận (0)