Về một người mang "phép màu" cho những gốc tre làng

29/10/2004 09:20 GMT+7

Gốc tre xù xì, gốc tre cụt ngủn, gốc tre không có hình thù gì... vậy mà bỗng nhiên trở thành vật có giá trị tiền chục, tiền trăm. Thực ra không phải ngẫu nhiên mà là cả quá trình tìm tòi, sáng tạo. Làng chạm khắc gỗ Thiết Ứng (Đông Anh, Hà Nội) là điểm đến của những ai yêu tượng gốc tre của Dương Huy Toản.

Trong một lần sang Trung Quốc giao hàng, anh Toản tình cờ thấy một ông cụ già ôm một bức tượng rất lạ, nhìn kỹ thì hoá ra nó được làm từ những gốc tre. Toản nảy ra ý nghĩ tại sao mình không làm tượng gốc tre nhỉ. Việt Nam mình nhiều tre, phải biết khai thác chứ. Nghĩ là làm, anh về nhà bắt tay vào đào những gốc tre trong làng, ở những nơi lân cận để thực hiện ý tưởng của mình.

Ai cũng thấy lạ vì nhìn những gốc tre xù xì như vậy, không thể tưởng tưởng được rằng hoá lại trở thành một ông quan công râu dài, mắt sáng, một ông di lặc bụng to, má phị... Làm ra một bức tượng phải qua nhiều công đoạn. Trước hết là đào gốc tre lên, gốc tre trong làng không nhiều, phải sang tận Bắc Giang, Bắc Kạn để mua về, đánh cả chuyến ô tô mới ăn thua. Gốc tre ở dạng thô như vậy khi mang về cũng đã có giá là 4.000- 5.000 đồng/gốc.

Tiếp theo lại phải kỳ cọ, đánh rửa. Không phải cứ hùng hục đánh là xong, phải rửa từng cái rễ một để nó khỏi đứt gãy. Đẽo gọt thì không thành vấn đề, vì dù sao anh cũng là con của làng chạm khắc gỗ truyền thống nổi tiếng khắp thành Thăng Long, bàn tay anh và những người trong làng Thiết Ứng đã quá quen với chạm, đục, khắc. Chỉ cần lựa chiều của gốc tre mà làm.

Gốc tre nhỏ thì làm cụ tre nhỏ, gốc lớn hơn dành làm cụ bụng bự. Lợi dụng rễ tre làm bộ râu, đây chính là nét độc đáo nhất của tượng gốc tre. Tuy nhiên, ra hình thù rồi phải qua công đoạn làm mịn, nhẵn bề mặt, sau đó ngâm thuốc tẩy làm sao cho tre trắng ra, lên màu tinh tế. Qua bao lần mày mò thử nghiệm, cuối cùng anh Toản cũng là ra được những sản phẩm "ưng mắt" mọi người. Sản phẩm đã được bày bán ở Tràng Tiền Plaza và một số khách sạn lớn, khách nước ngoài rất ưa chuộng. Có nhiều đoàn khách lặn lội về tận nơi đặt hàng, anh Toản làm không hết việc.

Công việc nghe chiều cũng "xuôi chèo, mát mái", nhưng Toản vẫn còn nhiều mối lo lắng. Anh muốn cả làng gỗ của mình thay da, đổi thịt. Trước kia, làng anh là nơi giao lưu tấp nập, nổi tiếng với chạm khắc gỗ và ngà voi. Được Nhà nước tạo điều kiện cho đầu ra thuận lợi, người dân không phải lo cho sản phẩm của mình, chỉ việc chí thú sáng tạo. Còn bây giờ mạnh ai nấy lo.

Trong cái làng nhỏ bé này, có biết bao gia đình làm nghề truyền thống nhưng không phải ai cũng có điều kiện đi đây đi đó như Toản, nhanh nhạy như Toản. Vì vậy, Toản muốn làng nghề truyền thống của mình được quan tâm hơn nữa. Bát Tràng đã được tu bổ rồi, Thiết Ứng cũng đợi đến phiên mình được thay bộ áo mới. Toản cười hiền lành: "Tôi không có gì để nói đâu, chỉ mong làng mình được nhiều nơi biết đến, làng phát triển thì cá nhân tôi cũng được nhờ".

Điều anh băn khoăn là công nghệ của ta chưa cao, cách làm của ta còn mang tính thủ công. Như thế thì hiệu quả thu được không xứng với công sức bỏ ra. Và điều nữa mà luôn trăn trở là làm sao quảng bá được thương hiệu để thế giới biết đến nhiều hơn về cây tre Việt Nam. Giờ đây anh muốn làm những tượng Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... và cũng đã làm thử, nhưng cái khó là những nhân vật đó không có hình dáng mẫu, không được nhiều người biết đến nên hàng làm ra không được ưa chuộng như tương khắc theo cổ tích Trung Quốc. Anh vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó tượng gố của những anh hùng, danh tướng Việt Nam được đi khắp nơi trên thế giới.

Hiện tại thu nhập của ông chủ trẻ cũng khá, nhưng lo làm sao cho xưởng mở rộng qui mô và cung cách làm việc hiệu qủa hơn, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên trong vùng và hơn nữa là để cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, Myanmar rất tinh xảo. "Ta không thua họ ở tay nghề mà thua ở cộng nghệ và dây truyền sản xuất..." -anh Toản nói thế. Sau nhà anh, những gốc tre đang chất đống, chờ một đợt gia công mới và một ước mơ đau đáu vẫn đang ấp ủ.

Thùy Dung
(HNM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.