Người ta nói đàn ông vốn hời hợt, nhưng anh lại rất kỹ tính. Anh chăm cho hai con từng bữa ăn giấc ngủ một cách chu đáo. Anh kiểm tra từ việc học hành ở trường đến việc vui chơi, giải trí của các con ở nhà và mối quan hệ với bạn bè xung quanh. Điều đó cũng tốt thôi nếu anh đừng quá cực đoan, cái gì cũng chỉ cho mình là đúng. Các con anh đã mười lăm, mười sáu tuổi rồi mà anh bắt chúng phải mặc quần áo anh chọn (để kín đáo và không nhố nhăng), phải đọc sách anh mua, những thứ mà anh cho là vừa có ý nghĩa giáo dục cao vừa để tăng thêm kiến thức trong học tập. Chỉ cần Tú hay Sương hơi biểu lộ thái độ phản đối là anh quát tháo, cao trào nhất vẫn là điệp khúc: "Mày đi khỏi nhà tao". Đã thế, anh lại rất tự hào về cách dạy con của mình. Anh bảo: "Con cái là máu thịt, là ruột gan làm sao có thể cầm roi quất vào nó cho được. Nhưng không đánh thì nó hư, chỉ có cách la rầy cho nó sợ thì mới dạy được. La hoài thì nó cũng nhàm, cứ dọa đuổi đi là cô cậu nào cũng sợ xanh mặt".
Nhưng lần này thì Tú không sợ bởi vì cậu cho rằng mình đúng. Sở dĩ anh Bình giận dữ chỉ vì Tú chơi thân với Hoa, một cô bạn gái học chung lớp, ở cách nhà anh mấy căn. Anh không thích Hoa vì gia đình cô bé ấy phức tạp, sợ thói xấu của gia đình ấy sẽ ảnh hưởng đến con trai mình nên đã nhiều lần ngăn cấm. Ngược lại, Tú rất thông cảm với hoàn cảnh của bạn Hoa nên nhận lời cô giáo chủ nhiệm kèm cặp giúp đỡ để Hoa đừng bỏ học. Cô phân công như vậy vì nhà hai đứa gần nhau nên dễ có điều kiện giúp đỡ nhau hơn. Thế mà khi Tú vừa mang tập cho bạn Hoa mượn về thì anh Bình đã hầm hầm giận dữ, đứng chặn ngay cửa quát: "Tao đã nói bao nhiêu lần mà mày vẫn cãi. Bộ trên đời này hết con gái rồi hay sao mà mày cứ phải chơi với nó". Tú nhỏ nhẹ phân trần: "Gia đình bạn ấy khó khăn có nguy cơ phải bỏ học nên cô giáo nhờ con giúp đỡ chứ con không làm gì sai trái hết ba à". Anh Bình xưa nay chỉ muốn con nghe chứ không được nói, nay thấy nó vì bênh bạn mà trả lời mình nên anh nổi giận, quát ầm ầm: "Đừng có đem cô giáo mày ra mà hù tao. Mai tao lại trường thưa ban giám hiệu đuổi việc bả luôn vì cái tội môi giới chứ kèm cặp học hành gì. Còn mày từ nay tao cấm, mày mà bước chân qua bên đó nữa thì đừng có về nhà tao. Nhà tao không chứa cái thứ hư thân mất nết như mày". Nghe anh nói vậy, Tú chỉ buông nhẹ một câu: "Đuổi thì đi".
Nói là làm, nó chỉ vào nhà lấy cái cặp rồi đi luôn, mẹ nó giữ lại cũng không kịp. Anh Bình ngẩn ngơ trước phản ứng của con nhưng anh nghĩ nó đi một lát chắc sẽ quay về. Con anh xưa nay vốn quen ăn sung mặc sướng, giường êm nệm ấm, nay bỏ nhà đi mà trong túi không có một đồng thì ăn đâu, ở đâu. Giỏi lắm là đến khuya đói quá nó cũng phải về thôi. Lúc đó, anh lại được một phen để "giảng mô ran" cho nó.
Thế nhưng gần mười hai giờ khuya anh chị vẫn không thấy bóng dáng Tú đâu. Anh sốt ruột đi ra đi vào còn chị thì nước mắt vắn nước mắt dài, luôn miệng kêu bé Sương gọi điện thoại cho bạn bè, thậm chí cả bệnh viện. Càng gần sáng anh chị càng hoảng hốt, túa ra đi tìm mọi nơi nhưng vẫn không gặp. Hai ngày trôi qua, anh chị không nuốt nổi hột cơm, không chợp được mắt vì lo cho con. Giờ này anh mới nhớ, đã bao lần anh nhếch môi cười khi nghe ai đó nhắn tin: "Con về gấp, mẹ đang đau nặng, mọi lỗi lầm cha mẹ tha thứ hết cho con" bởi anh không bao giờ ngờ có ngày chính mình cũng phải nói câu ấy.
Giờ này anh chỉ mong rằng Tú sẽ nghĩ lại và quay về. Anh nhủ thầm: quả là mình đã quá chủ quan, dẫn đến sai lầm trong việc giáo dục con cái.
Theo SGTT
Bình luận (0)