Một nhà thơ đã viết mấy câu trên, vào dịp tình cờ đi qua An Khê và đứng lại trên cầu ngắm nhìn con sông Ba. Con sông với dòng nước mênh mông đã trở nên một phong cảnh hữu tình bởi những đám dưa hấu, những đám ngô đồng và những rặng tre xanh rì bao quanh hai bên bờ.
Nằm giữa một thung lũng lớn trên miền cao nguyên, dòng sông đã tạo nên không biết bao nhiêu là ghềnh, thác. Mỗi buổi chiều về, đứng trên cây cầu bảy nhịp, bạn sẽ thấy những cánh cò trắng bay qua sông, hoàng hôn buông xuống một cách dịu êm, làm cho bạn dễ chịu hơn sau một ngày lao động, hay học tập căng thẳng...
Nói đến sông Ba thì không thể quên dòng thác Hẹn Hò. Cái tên Hẹn Hò không biết nó có từ lúc nào? Có thể là lâu lắm từ khi trai gái biết yêu nhau thì phải. Từ trung tâm thị trấn An Khê vào thác độ chừng năm trăm mét, bước vào bạn sẽ thấy ngay một khoảng trống mênh mông với mặt nước tĩnh lặng, giữa lòng sông một tảng đá nhô lên trông giống lưng con ngựa, nên người ta thường gọi là Bến Ngựa.
Do dân cư ngày càng đông đúc, nhà cửa cất xây ra tận sông, nhiều người đã đến đây chẻ đá đem về xây dựng, đã làm mất đi phần nào vẻ đẹp của Bến Ngựa. Nhưng không hẳn thế, đi xuống chừng mười mét là ghềnh thác, nước chảy cuồn cuộn trắng xóa. Sẽ là một kỷ niệm sâu sắc nếu bạn dắt người yêu té ùm xuống nước, dòng nước tưởng chừng như nhận chìm bạn, nhưng bạn đừng lo, bạn hãy bơi hụp xuống rồi ngoi lên một cách dễ dàng.
Có truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa có vị thần khổng lồ thấy bến Thác quá đẹp, ông ta mải mê chơi nên quên mất cả giờ về. Đến khi chiều tối, ông mới ba chân bốn cẳng chạy... vì quá vội vã ông đã dẫm chân lên tảng đá to nhất ở đây. Vì dẫm quá mạnh nên bàn chân phải của ông đã in sâu trên mặt đá. Kỳ tích này vẫn còn cho đến bây giờ!...
"Sông Ba dòng thác Hẹn Hò" đó là một bến sông, một ghềnh thác hữu tình. Bởi vẻ đẹp của nó không phô trương, hùng vĩ. Với tiếng nước chảy, tiếng gió lao xao trong từng kẽ lá của bãi ngô xanh biếc, tiếng gà gáy trưa, tiếng con cuốc gọi hè, với hương mía đường non đậm đà hòa hợp vào nhau đã giúp dòng sông Ba trở nên mộc mạc và thân thương.
(Theo Tạp chí Quê hương)
Bình luận (0)