Phút thành thật của Westlife

20/11/2004 16:14 GMT+7

George Michael, Robbie Williams, Rod Stewart và giờ đây là Westlife, những cái tên này có điểm gì chung nhất? Lần lượt, gã ca sĩ trông rất đàn ông (nhưng không phải vậy!) gốc Hy Lạp, anh chàng Anh Quốc xuất thân từ nhóm Take That, ông già gân người Mỹ (cô bạn gái Penny Lancaster mới 33 tuổi trong khi Rod đã 50) và các cậu trẻ xứ Ailen khai thác kho tàng ca khúc Mỹ để bổ sung vào phần discography của mình một album chơi toàn nhạc xưa.

Songs from the last century của George, Swing when you're winning của Robbie, bộ 3 đĩa American songbook của Rod và mới nhất là Allow us to be frank của Westlife đều tìm lại thời kỳ của nhạc swing - bigband để thể hiện mình.

Hát cover không xa lạ gì với Westlife, thậm chí còn là một vận may của họ với các ca khúc như I have a dream, Uptown girl, More than words, Against all odds... đều thành công. Im hơi lặng tiếng sau khi Bryan McFadden rời nhóm và rồi đột nhiên không kèn không trống, Allow us to be frank của Westlife được phát hành ở châu u ngày 8/11 (dự tính 28/12 mới tung ra ở Mỹ). Không hiểu sao một "tên tuổi lớn" đầy sức hút với giới trẻ như Westlife lại rất âm thầm với album này, dường như không có công tác PR hay quảng bá thích đáng (buổi ra mắt giới thiệu album vào ngày 5/11 tại khách sạn Westin khá lặng lẽ, ít được báo chí đưa tin). Trước hết có lẽ vì sức hút của teen pop, của boysband đã lụi tàn rất nhiều, nhường chỗ cho rap/hip-hop, R&B và modern rock. Thứ đến, những bài hát trong đĩa nhạc này đều đáng tuổi cha chú các cô cậu khoái Westlife. Từng mê mẩn với My love, Soledad, I lay my love on you..., hẳn phải bật ngửa khi nghe điệu swing, tiếng contrebass bập bùng và dàn kèn bigband thỉnh thoảng lại ré lớn ở các bản Come fly with me, Clementine, Mack the knife trong album mới. Khi Bryan rời nhóm, Westlife trấn an người hâm mộ rằng "trước nay nhóm vẫn thường tập nhạc như một nhóm nhạc 4 người và các nhóm nhạc vĩ đại trên thế giới đều có 4 người!". Khi đó, họ hứa hẹn một album mới gồm "những bản song ca với các ngôi sao loại A". Lời hứa đó có thay đổi chút ít, không phải các ngôi sao mà các ca khúc loại A và không song ca mà khoác vào người bộ áo đuôi tôm lịch lãm, đóng vai nhóm Rat Pack của thập niên 50 với 3 giọng hát huyền thoại Dean Martin, Sammy Davis Jr. và Frank Sinatra. Vì vậy, có chút chơi chữ trong tựa album, chữ "frank" có thể viết hoa và đĩa nhạc trở thành "Cho phép chúng tôi đóng vai Frank (Sinatra)" thay vì "cho phép chúng tôi được thẳng thắn". Nếu không quá khó tính hay thành kiến với Westlife, đây là một album nghe được chứ không đến nỗi "toàn những ca sĩ hát karaoke" như lời nhận xét của một người nghe trên trang Amazon. Dĩ nhiên, nếu bất cứ sự so sánh nào cũng khập khiễng thì so sánh Westlife với Frank Sinatra thuộc hàng khập khiễng đầu top! When I fall in love với tiếng harp, Smile bất hủ được viết bởi Charlie Chaplin (bạn vẫn phải cười khi tim đang đau nhói...) rồi That's life, I left my heart in San Francisco... những giai điệu đó vẫn chinh phục được, tuy có thể không nhiều, những fan mới đối với nhạc xưa từ lượng fan sẵn có của Westlife. Fly me to the moon hát không nhanh bằng Julie London nhưng vẫn nhộn nhịp hơn Matt Monro. Riêng đối với giới trẻ Việt Nam, Westlife vẫn có một lượng fan cực kỳ đông đảo chỉ từ 2 bản My loveSoledad (người viết từng chứng kiến hầu hết khán giả hồ hởi hát theo Soledad khi cô ca sĩ nghiệp dư trên sân khấu cất giọng hát bài này tại buổi diễn nhạc ở một trường đại học).

Thời thế đã thay đổi nhiều, Westlife có lẽ khó nối tiếp chuỗi 12 đĩa đơn xếp hạng nhất ở Anh trước đây. Nhưng sự phiêu lưu này của nhóm xứng đáng được tán thưởng và cũng mong họ sẽ thành công cho "phút thành thật" của mình, bổ sung một số lượng lớn vào con số 30 triệu đĩa bán ra trong sự nghiệp chỉ mới kéo dài 5 năm của nhóm.

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.