Xem phim Mùa len trâu: Ký ức cuộc đời miền đất

15/11/2004 21:42 GMT+7

Rạp chiếu bóng Hưng Đạo trên đường Lê Hồng Phong thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chiều chủ nhật 7/11, ngày cuối của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, đông chật khán giả chen chúc nhau vào xem bộ phim Những cô gái chân dài. Suất chiếu 14 giờ vừa xong, khán giả còn ùn lại ngoài cửa ào vào vì nghe đâu rạp sẽ chiếu tiếp suất nữa cũng bộ phim đó. Phần đông các đại biểu dự LHP đã vào Buôn Đôn xem hội đua voi, chỉ có rất ít người có mặt trong rạp lúc đó vì họ nghe biết tin là sau đấy sẽ chiếu bộ phim Mùa len trâu.

Chờ đợi, chờ đợi, phim Mùa len trâu đã đến nhưng còn phải chuyển vào máy, khán giả Buôn Ma Thuột thì vẫn nghĩ là xem tiếp Những cô gái chân dài, không khí ồn ào nóng ruột, ban quản lý rạp phải nhờ đến hai nữ diễn viên Hồng Ánh và Thúy Nga giúp đỡ bằng cách cho chữ ký lưu niệm. Và rồi đây, điện tắt, màn bạc bật sáng, Mùa len trâu bắt đầu trong sự ngỡ ngàng của số đông khán giả và sự mừng rỡ của số ít đại biểu.

Họ đã được đền đáp bằng một bộ phim hay.

Cảnh trong phim Mùa len trâu.

Mở đầu phim là cảnh một đứa cháu theo ông nội cày đồng, kéo lên từ dưới bùn đất một chiếc cối xay. Nó gọi hỏi ông nội. Và thế là chuyện phim bắt đầu, chuyện cuộc đời của người ông từ khi còn nhỏ đến khi thành một chàng trai trong những mùa nước nổi đi len trâu (dẫn trâu đi chăn ở những nơi có cỏ), trước còn làm thuê, sau tự đứng ra làm. Mùa nước nổi đặc trưng của vùng đồng bằng Nam Bộ nhấn chìm mọi vật dưới làn nước mênh mông, đến người chết cũng phải bó xác rồi treo lên đợi nước rút hoặc buộc kèm theo vật nặng để thả chìm xuống nước. Cảnh chôn người chết mùa nước nổi là tâm điểm của bộ phim. Kiên (chàng trai nhân vật chính trong phim, tức là ông nội đứa bé, người kể chuyện) đã phải thả xác cha mình xuống nước nhờ vào chiếc cối xay của vợ chồng ông lão tốt bụng sống đơn độc giữa vùng nước trắng buộc giằng vào bó xác. Khi nước rút, Kiên tìm lại nơi đã thả xác cha mình xuống để kiếm lại, nhưng cái xác đã bị cuốn mất nơi nào. Cho đến bây giờ đứa cháu nội bỗng lần theo sợi dây dưới bùn kéo lên chiếc cối xay. Phim dừng lại trong lời tự sự của người ông nói với mình, với đứa cháu. Đứa cháu cũng là cư dân vùng nước nổi. Ký ức một vùng đất trong ký ức một cuộc đời.

Mùa len trâu là sản phẩm mới của Hãng phim Giải Phóng, kết quả của sự cộng tác Việt Nam, Bỉ, Canada. Phim này, cùng với mấy phim khác của hãng Giải Phóng hợp tác với nước ngoài như Mê Thảo - thời vang bóng, Thời xa vắng, là những tác phẩm điện ảnh nghiêm túc, có chất lượng nghệ thuật. Mùa len trâu chỉ chiếu giới thiệu tại LHP lần thứ 14 vừa rồi.

Những khuôn hình đẹp phơi mở được cái hoang dã tự nhiên của miền Tây Nam Bộ. Cảnh quay được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, có "đất" cho diễn viên bộc lộ nhân vật. Phong cách làm phim thường thấy của các đạo diễn ở ngoài về nước là họ có một kiểu quay riêng, khiến cho những bối cảnh đã quen vẫn hiện ra dưới những ánh sáng góc độ khác lạ, nhân lên khoái cảm thưởng thức của người xem. Chuyện phim là chuyện đời, diễn ra như cuộc đời bên ngoài, đạo diễn không đẩy căng xung đột lên mà để nhân vật sống cuộc sống bình thường, tự nhiên của nó. Do vậy nên diễn viên diễn tự nhiên, chân thực, và nhờ việc thu tiếng động trực tiếp nên hiệu quả chân thực sống động của phim càng được tăng lên. Chuyện tình yêu, chuyện hận thù trong phim được xử lý gọn, như một tình tiết của dòng đời, không bị lạm dụng dễ làm lạc mạch phim. Bộ phim, có thể nói, rất "Nam Bộ tính". Và đó là một thành công. Dựa theo tác phẩm của Sơn Nam, nhà văn nổi tiếng về những trang viết phong tục tập quán vùng đất phương nam, phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã chuyển được cái hơi đất, hơi người từ trang văn lên màn ảnh. Mạch phong tục trong phim là khá rõ, tuy nhiên có chỗ còn hơi rề rà, nhưng nhìn chung bố cục phim là hợp lý và thống nhất...

Tôi len ra khỏi rạp Hưng Đạo và cám ơn Mùa len trâu.

Phạm Xuân Nguyên
Hà Nội 11/2004

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.