* Theo ông, phải chăng chúng ta đã không làm tốt việc tiêu hủy triệt để mầm bệnh?
- Việc tiêu hủy gia cầm bệnh đã làm đúng quy trình. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại rất lâu trong phân gà. Ở điều kiện nhiệt độ, độ ẩm bình thường, vi rút này có thể tồn tại 3-4 tháng. Do đó, ngay cả khi đã tiêu hủy, chúng ta vẫn cần phun hóa chất, làm sạch vệ sinh môi trường thường xuyên tại ổ dịch cũ.
* Theo ông, điều quan trọng nhất cần làm là gì để phòng ngừa cúm gia cầm lây sang người?
- Tôi cho rằng, hiểu biết của người dân về phòng bệnh là chưa đến nơi đến chốn. Để phòng lây sang người thì việc “không giết mổ, không ăn gia cầm bệnh” là rất quan trọng và đã được khuyến cáo rất nhiều. Nhưng thực tế, trường hợp bệnh nhân mắc cúm H5N1 gần đây thì nguyên nhân vẫn là giết mổ, ăn thịt gà nhiễm bệnh. Như vậy, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền cho người dân các biện pháp cơ bản nhất để phòng lây nhiễm từ gia cầm.
* Để làm sạch môi trường, làm sao những người chăn nuôi nhỏ có thể chủ động mua hoặc tiếp nhận được hóa chất sát trùng?
- Các cơ quan y tế, nông nghiệp tại địa phương đều có sẵn các hóa chất sát trùng để cấp, bán hóa chất sát trùng. Đây là những hóa chất rẻ tiền nhưng được coi là có hiệu quả trong làm sạch môi trường. Một viên Cloramin B có thể khử trùng cho 20 lít nước, giá chỉ có 700 đồng. Còn 1 kg Cloramin B bột khoảng trên 40.000 đồng. Với 1kg này, trung bình đủ cho một hộ gia đình phun liên tục trong một tháng. Quan trọng là người dân cần thường xuyên phun hóa chất làm sạch ổ bệnh cũ.
* Mùa đông xuân 2004-2005, chúng ta đã có vắc xin phòng cúm của chủng vi rút mới và có kiểm tra xét nghiệm nhanh cúm H5N1 hay chưa?
- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các chủng cúm vi rút cần được tiêm phòng vẫn là những chủng vi rút cúm thông thường H3N2, H1N1... và vẫn được Bộ Y tế xét nhập, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng chúng ta chưa có dụng cụ xét nghiệm nhanh với cúm gia cầm trên người.
Liên Châu
(thực hiện)
Bình luận (0)