Sau một chặng đường dài lênh đênh sông nước, khi đặt chân vào cổng làng du lịch Mỹ Khánh, du khách lập tức cảm thấy dễ chịu ngay. Không khí trong lành, thoáng mát, những rặng cây nối tiếp, những ngôi nhà mộc mạc núp dưới những vòm lá xanh... Không biết trong kia còn những gì thú vị, bất ngờ đang chờ đón?
Hòa trộn chất Nam Bộ xưa và nay
Bước vào làng du lịch, người ta thường tham quan khu vườn trước rồi kết thúc cuộc hành trình ở vườn ẩm thực. Con đường được quét dọn từng giờ, không một chút rác dẫn ta đi từ thú vị này đến thú vị khác. Trên 20 loại trái cây đặc sản của miền Tây, dăm con vật quý hiếm như: vạc, khỉ, vượn, gấu... qui tụ về đây.
Trái cây thì Nam Bộ nơi nào cũng có. Nhưng ở đây, trái sai và căng tròn sức sống. Những quả đu đủ chín vàng, những chùm mít quấn lấy nhau, cam thì oằn nhánh, rung rinh trên đỉnh đầu, ai mà chẳng muốn đưa tay hái. Đó là cảnh của Mỹ Khánh sơ khai cho đến bây giờ. Nếu vẫn chỉ những cảnh trên, chắc chắn sẽ tạo sự nhàm chán cho du khách. Giờ đây Mỹ Khánh bổ sung vào khoảng đất rộng 7 ha một ngôi nhà cổ và làng nghề Nam Bộ. Nó trở thành cái mốc đánh dấu nửa thời gian trong chặng đường tham quan làng du lịch. Ngôi nhà này do một ông điền chủ ở Bình Thuỷ (nay là quận Bình Thuỷ - TP Cần Thơ) cất cho người vợ bé. Sau 98 năm tồn tại, ngôi nhà xuống cấp trầm trọng. Con gái ông chủ nhà bán lại cho Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh với giá 850 triệu. Vậy là, ngôi nhà được phục chế và chuyển dời về đây .
Ngôi nhà ẩn sau hàng trầu cau xanh mượt và những chậu kiểng. Vuông sân trải đầy thứ nắng miền Tây ấm áp. Bước qua ngạch cửa là lọt vào không gian cổ xưa. Những hoành phi, câu đối mang tính giáo dục con cháu, những tác phẩm điêu khắc hình loan phụng trên gỗ công phu và sắc sảo chạy dọc theo cột sà. Ngôi nhà chia thành 3 phần mà trọng tâm là chiếc bàn dài. Phía bên trái là dãy tủ đựng chén, đĩa men từ thế kỉ XIX, XX và tủ dùng làm gương soi. Phía bên trái là đi văng. Hai bên đối xứng nhau bởi hai chiếc bàn tròn. Bàn bên trái dùng để tiếp khách, phía còn lại để gia đình quây quần bên mâm cơm. Mọi đồ đạc trong nhà đều bằng gỗ cây nhong, gỗ lim tuổi 100 năm. Theo thời gian, màu gỗ trở nên cũ kĩ nhưng càng tô thêm ánh bạc toả ra từ những lát ngọc trai được cẩn hình bông hoa thật tỉ mĩ và sắc nét.
Ở ngoài mái hiên, từng cơn gió mát rượi, khách có thể ra ngồi uống nước và thưởng thức những câu giọng cổ phát ra từ chiếc máy hát tuổi gần 60 năm. Nam Bộ xưa là vậy đó. Ban đêm, ngôi nhà có một căn phòng duy nhất với chiếc giường cổ để cho ai muốn ngủ lại mà thấm thía "Đêm nằm năm ở" đất Cần Thơ xứ sở Nam Bộ. Buồng được nối với gian bếp bởi tấm vách ngăn. Tất cả các vật dụng trong nhà bếp vẫn còn nguyên vẹn từ cái thau, rổ, nồi đất... Một bếp lửa đã tàn nhưng có thể làm hâm nóng tình yêu, nỗi nhớ quê hương của những du khách xa xứ... Nếu thích, du khách có thể trong vai người giã gạo, lắng nghe nhịp chày đều đặn...
Hương vị quê hương trong những món dân dã
Bên trong làng du lịch còn làng nghề bánh tráng và nấu rượu truyền thống. Bếp củi đang rực cháy. Lúng túng trong vai người thợ tráng bánh, khách mới hiểu hết cái hơi nóng bốc lên từ lò, cái khoé tay và chuyên nghiệp của người thợ để chiếc bánh tròn, đều. Người ta có thể thưởng thức món bánh ướt cuốn thịt cá tai tượng chiên xù tại đây hoặc mua bánh đã phơi khô làm quà cho người thân. Các ông có thể mua rượu nếp. "Vị cay bốc lên đầu rồi tỏa làn hơi ấm xuống người. Không thể nhầm lẫn với rượu Tây được". Một ông khách người Pháp vừa tả cảm giác của mình vừa nhấm nháp chút rượu còn lại. Còn người Việt xa xứ thì gọi là "nước mắt quê hương" bởi nó trong như nước mắt và vì nỗi nhớ quê cuộn trào trên khoé mắt khi có người biếu rượu quê hương.
Từ làng nghề, con đường phía trước đưa ta đến thế giới ẩm thực đậm chất Nam Bộ. Gia đình, bạn bè quây quần bên chiếc bàn tròn bằng tre trong những ngôi nhà sàn mái lá dọc trên những con mương nhỏ đục phù sa. Theo nhiều du khách nhận xét, món ăn được chế biến phong phú mà giá phải chăng như ốc hấp tiêu, tôm hấp dừa, cá tai tượng chiên xù... Khách nước ngoài thì cho là quá rẻ đối với họ. Một mâm cơm với lẩu cá điêu hồng, một đĩa dế chiên bơ và dăm chai bia Sài Gòn chỉ mất 160.000 đồng. Như vậy, người lao động vẫn có thể đến đây thưởng thức. Còn với sinh viên, học sinh, họ có thể chọn trái cây ướp lạnh hoặc góp vốn cho món lẩu. Đang ăn, thỉnh thoảng khách bỗng ngừng đũa: một tiếng đàn ngân lên, một câu vọng cổ buông dài. Giữa buổi trưa thanh tĩnh, nghe sao mà chín cả lòng người! Nếu kế hoạch ban đầu là nghỉ trưa thì giờ tan biến. Dăm khách đang nghỉ nghe tiếng ca mà chồm dậy, ngoảnh mặt về phía tiếng đàn. Có người không nén nổi, cất tiếng đệm theo.
Ai bảo, bây giờ người ta chỉ thích hát nhạc sôi động như Rock, Rap! Ai bảo thế hệ bây giờ không thích nhạc trữ tình quê hương. Những ca sĩ nghiệp dư, trừ người đàn có ai là trung niên đâu. Họ quây quần bên nhau mà không hề biết rằng, trước khi đến đây họ chẳng biết nhau. Vậy mà, họ vẫn say mê hát và những tiếng vỗ tay khích lệ. Cứ thế, người này chấm dứt thì người khác thay thế.Nghệ sĩ gảy đàn chỉ có một. Nhưng ông vẫn tươi cười, ủng hộ bọn trẻ bằng những tiếng đàn khiêu khích. Không biết bao năm trong nghề, nhưng tiếng đàn của ông khiến người ta đăm đắm con mắt nhìn theo bàn tay điêu luyện múa trên phím đàn. Và biết đâu lại có ít nhất một người trong số đang hát nhận ông làm thầy như những tốp khách trước đây.
Thức lâu mới biết đêm dài...
Từ trưa trở đi, khu vườn trở nên náo động lạ thường. Người ta thích hát hơn nghỉ trưa. Có người hát bằng micrô vang dội đến cuối vườn. Người không có micrô cũng ức lắm, vì giọng mình bị át hẳn đi. Để trả đũa, cả tốp gân cổ cùng hát, hát cho thật to, thật hay. Một vị khách trung niên 20 năm rời xa miền đất Cần Thơ, sang định cư ở Úc, không kìm nổi lòng mình đã cho một vèo liên khúc. Ông gân cổ hát, hết bài này đến bài khác, bài nào quên thì hát cho đến khi nhớ lại mới thôi. "Nếu như không đến đây, chắc chắn tôi không có cơ hội hát lại những bài nhạc Việt thân thương. Tôi phải hát thật nhiều để còn chút dư âm hồn Việt sang nước bạn" - ông nói
Chương trình ban đêm cũng không kém phần hấp dẫn: chài cá về đêm, du thuyền trên sông. Con thuyền có sức chứa hơn 100 người và một đội chèo thuyền (chèo tay hoặc đò máy) sẵn sàng cho khách thưởng thức một buổi tối thanh bình của miền sông nước: hai bên bờ sông vắng lặng, đèn trong nhà dân thắp sáng, những chiếc thuyền vội vã phía xa, chỉ tiếng đàn hát trên thuyền vang rộn một khúc sông. Nhưng những tháng hè, khúc sông yên bình bỗng náo động lạ thường bởi tiếng reo mừng của những người chài lưới. Theo ông Phạm Minh Sáng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh, loại hình này rất được du khách từ TP Hồ Chí Minh ưa chuộng. Trước khi ra nghề, họ được nhân viên của công ty du lịch chỉ dẫn cách quăng lưới. Không gì thích thú cho bằng khi nghe tôm, cá, tép... vùng vẫy trong lưới. Rồi bên bếp than hồng, khách tự tay nướng và thưởng thức chúng một cách nóng hổi, thơm tho.
Màn đêm buông xuống, khách quay về trong căn nhà bằng chất liệu xi măng được sơn giả gỗ, du khách còn nghe tiếng nước uà vào mạn thuyền, chập chờn bóng áo bà ba của những cô nhân viên phục vụ như muốn nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại.
(Theo Vneconomy)
Bình luận (0)