Một quyết định điều động "có vấn đề"

20/01/2005 22:00 GMT+7

Ngày 20/1, TAND quận 4, TP.HCM đã đưa ra xét xử vụ tranh chấp lao động giữa ông Nguyễn Công Thành với Công ty Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart). Tuy chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc nhưng cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm sau phiên xử...

Nội dung vụ tranh chấp

Vitranschart có 5 công ty con, ông Thành làm Trưởng ban Kế toán - Tài vụ của Trung tâm Đào tạo - Môi giới và Xuất khẩu thuyền viên phía Nam (SCC), một công ty con của Vitranschart. Ngoài ra, ông Thành còn là Chủ tịch Công đoàn của SCC, ủy viên Ban Thanh tra công nhân, thành viên Ban Hòa giải và tranh chấp lao động công ty. Ngày 30/7/2004, Tổng giám đốc Vitranschart ra quyết định số 373 điều chuyển ông Thành về làm Kế toán trưởng Công ty Cung ứng dịch vụ và xuất nhập khẩu (Masuco - công ty con của Vitranschart) không xác định thời hạn, với lý do mối quan hệ giữa Giám đốc Masuco và Kế toán trưởng Hoàng Thị Thanh Phương căng thẳng nên không làm việc được với nhau; đồng thời bà Phương chuyển về thay vị trí của ông Thành tại SCC. Sau khi nhận được quyết định nói trên, ông Thành đã liên tiếp gửi đơn đề nghị Ban giám đốc xem xét nguyện vọng để ông tiếp tục công tác tại SCC vì chỉ còn 3 năm nữa ông sẽ nghỉ hưu, và công việc mới quá nặng nề, ông không đảm trách được. Nhưng chỉ trong vòng hơn nửa tháng, Tổng giám đốc Vitranschart đã ra liên tiếp nhiều quyết định để buộc ông Thành phải chấp hành quyết định 373 vô điều kiện và ngày 16/8/2004 bà Phương đã về thay vị trí của ông Thành. Rồi ngày 2/11/2004, ông Thành tiếp tục được điều về bộ phận dự trữ cán bộ theo quyết định 528 để công ty làm rõ trách nhiệm không thực hiện quyết định 373. Cuối cùng vụ việc được chuyển đến tòa án giải quyết.

Phút 89 trước giờ xử...

Tại phiên tòa khai mạc sáng 20/1, đại diện Vitranschart đã công bố một tình tiết mới: "rút lại" quyết định 373 và 528, đồng thời cung cấp một quyết định mới số 030 vẫn điều chuyển ông Thành về Masuco nhưng với thời hạn 60 ngày. Đây thực chất là hình thức "bình mới rượu cũ". Vẫn nội dung cũ nhưng hình thức vụ việc đã được thay đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Việc làm này đã làm cho ngay cả Hội đồng xét xử cũng phải ngỡ ngàng. Khi được tòa hỏi: "Liệu sau 60 ngày về Masuco ông Thành có được trở về làm công việc cũ không?" thì phía công ty trả lời rằng: "Có thể!". Đến lúc này vị chủ tọa phiên tòa phải giải thích cho phía công ty biết là chỉ khi công ty gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất thì công ty có thể tạm thời luân chuyển người lao động làm công việc khác nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Vị chủ tọa còn dẫn tiếp Điều 33 Bộ luật Lao động về việc thay đổi nội dung của hợp đồng lao động là phải có sự thỏa thuận của hai bên, nếu không thỏa thuận được thì phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Đến đây, phía công ty chỉ im lặng!

Do có tình tiết mới là quyết định 030 nên Hội đồng xét xử phải nghị án đến ngày 25/1 mới tuyên án.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.