Tồn tại đã được nêu, nguyên nhân đã được chỉ rõ, giải pháp đã được đưa ra, nhưng dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể (nếu không muốn nói là tồi tệ).
Theo lời ông Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, qua kết quả thanh tra các dự án, số sai phạm gây thất thoát chiếm từ 14-19% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, năm 2005 này, tổng mức vốn đầu tư XDCB chiếm tới 36,5% GDP. Làm một phép tính đơn giản, nếu tình trạng thất thoát chưa được khắc phục thì trong năm 2005, Nhà nước sẽ mất từ 5,11 – 7% GDP. Nói một cách dễ hiểu, nếu đem chia toàn bộ những sản phẩm dịch vụ được tạo ra trên đất nước Việt Nam trong năm 2005 làm 100 phần, thì sẽ có vài chục, hay vài trăm “quan” trong số hơn 80 triệu người Việt Nam “thó” mất 5-7 phần. Đó mới chỉ là “bề nổi” vì “chưa thể kiểm toán, thanh tra toàn bộ các dự án nên chưa thể khẳng định chính xác con số thất thoát “ (vẫn lời ông Bộ trưởng). Vậy thì ai dám khẳng định “bề chìm” kia là bao nhiêu với một cơ chế đầu tư “khép kín” như hiện nay.
Quý vị hãy tưởng tượng, nếu tiền của là của mình thì quý vị có thể tự tay “thó” hay không ? Mồ hôi nước mắt làm ra thì làm sao dám phung phí? Vậy thì, nếu các “quan” kia thực sự coi mình là đại diện cho sở hữu toàn dân, thực sự xót xa trước cảnh đồng bào mình đang đầu tắt mặt tối lao động, thực sự biết thẹn vì đất nước còn nghèo, thì làm sao họ đành lòng “móc túi” của dân? Ở chỗ này chỗ nọ, người ta còn truyền nhau nghe nhiều câu chuyện về những tên trộm gà trộm vịt bị bắt quả tang, bị đánh cho thừa sống thiếu chết mới đem nộp cho công an. Vậy thì với các “quan” kia - cũng “phường trộm cắp” - thì xử sao đây?
Dù sao thì xử phạt cũng là giải quyết “sự đã rồi”, nhưng không thể không xử (!). Mỗi lần đưa một cán bộ ra kiểm điểm (hay nặng hơn là truy tố) là một lần “đau”, một lần “tự bêu xấu” vì họ là đồng chí, đồng nghiệp của mình chứ ai. Vậy, để tránh bị “đau”, tránh “tự bêu xấu” thì phải ngăn chặn trước. Vấn đề ở đây là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, phải minh bạch hoá các hoạt động liên quan - khi đó, thất thoát do đâu, chảy vào túi ai, ai tiếp tay cho thất thoát đều rõ cả. Như vậy thì còn ai dám “móc túi” dân? Còn ai vô trách nhiệm trước tiền của dân?
Cuộc chiến chống thất thoát, lãng phí chưa thể “ca khúc khải hoàn” trong một sớm một chiều. Nó đòi hỏi phải có thời gian, công sức của toàn Đảng, toàn dân, mà Chính phủ phải đóng vai trò là “tướng tiên phong”. Chừng nào trong hội nghị này, hội thảo nọ còn có người vơ thành quả vào tay… “chúng tôi”; đẩy yếu kém về phía… “chúng ta” (hay nhận trách nhiệm… bừa bãi) thì “cuộc chiến” sẽ còn gian khổ.
Nguyễn Văn Trung
Bình luận (0)