Đối phó dịch cúm gà

20/01/2005 10:34 GMT+7

Dịch cúm gà lại tái phát và xem ra khó phòng chống hơn các loại bệnh thông thường khác, bởi cộng đồng còn chưa thật am hiểu bản chất của tác nhân gây bệnh là virus H5N1, hay cơ chế lây lan và cả hậu quả nguy hiểm do nó gây ra nên chưa thật chủ động.

Thậm chí cũng còn có người hoài nghi cả tác dụng của biện pháp chôn, đốt hay phun hóa chất, thuốc phòng trị... do thiếu thông tin có cơ sở khoa học vững chắc. Trong khi trên thực tế thì những nơi được báo cáo hết dịch sau khi đã áp dụng các biện pháp phòng, chống trên nhưng khi nuôi lại thì vẫn bị tái dịch như những vùng, những hộ không tiêu hủy triệt để (!?).

Theo các nhà khoa học, virus cúm típ A, dòng H5N1 gây nên dịch cúm gà hiện nay có thể tồn tại ở nhiệt độ 22 độ C đến 4 ngày, ở 0 độ C đến hơn 30 ngày, nếu bị đông lạnh hay trong phân gà sẽ tồn tại rất lâu, vì thế thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, phát tán gây bệnh và có thể thành dịch lớn nguy hiểm. Ngoài ra cũng có khả năng chúng biến đổi dễ gây bệnh cho một số giống gia súc, gia cầm khác và cho cả người, nên phải cẩn thận khi tiếp xúc. Ngược lại trong môi trường nhiệt độ trên 60-70 độ C virus cúm sẽ mất độc lực rất nhanh và sẽ bị hủy diệt trong thời gian ngắn khi nhiệt độ cao hơn. Đây là một hướng cần được các nhà khoa học, nhà kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng trong phòng chống dịch và xử lý môi trường chuồng trại để giảm thiểu ô nhiễm do hóa chất, kháng sinh...

Do đó trong phòng chống dịch cúm gà, người trực tiếp chỉ đạo và giám sát việc tiêu hủy cần phải am hiểu để giải thích cho nhân dân và quản lý chặt việc dùng đúng kỹ thuật, thuốc, hóa chất... đồng thời cần lưu ý những điều sau đây:

- Khi đã được thông báo có ổ bệnh cần khẩn trương tổ chức, cử cán bộ chuyên môn xuống ngay địa bàn để huy động lực lượng quản lý chặt và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm sớm hoặc xác định triệu chứng đúng là bệnh cúm gà thì vận động chủ hộ thực hiện việc tiêu hủy càng sớm càng tốt một cách triệt để xác vật nuôi chết hay những con bị nhiễm bệnh, và cô lập, xử lý tất cả mọi thứ có khả năng chứa mầm bệnh, phát tán lan truyền bệnh... kể cả việc theo dõi diễn biến sức khỏe của người đã tiếp xúc.

- Phải xử lý triệt để, gọn từng ổ dịch, từng địa bàn, không chừa bất cứ thứ gì có thể còn mang, chứa mầm bệnh, nhất là vật dụng chuồng trại, xác thú chết, thú sống nhiễm bệnh, kể cả trứng: nguồn nước, không khí và các loại ký chủ phụ mang mầm bệnh, đảm bảo sao cho không còn mầm bệnh nào trong vùng bệnh tồn tại, hay có khả năng tái phát, lây lan sang nơi khác. Đặc biệt cần tuyên truyền, vận động mọi người dân không vứt xác thú chết bừa bãi ra môi trường như nhiều nơi trong thời gian qua, và đề phòng lây nhiễm sang người.

- Trong việc tiêu hủy nguồn bệnh phải trang bị bảo hộ đầy đủ, đảm bảo an toàn cho người thực hiện. Sử dụng dụng cụ, hóa chất phải tuân thủ hướng dẫn, đảm bảo các nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng vị trí và đúng đối tượng), tuyệt đối không để xảy ra sơ suất gì ảnh hướng đến sức khỏe người dân, hay gây ô nhiễm môi trường, khiến nguồn bệnh có thể còn tồn lại và có khả năng phát tán gây hại trở lại cho cộng đồng.

- Song song với công việc tiêu hủy nguồn bệnh tại chỗ, cần phải thiết lập hàng rào an toàn theo nguyên tắc “nội bất xuất ngoại bất nhập”, tức là không cho gia cầm nơi khác thâm nhập vùng đang được bảo vệ và tiêu hủy ngay những gia cầm xuất phát từ vùng dịch đi nơi khác trong suốt thời gian dập dịch và cả khoảng thời gian cách ly theo quy định. Sau khi dịch đã được dập tắt hoàn toàn, nên có những hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân chọn giống sạch bệnh, có ý thức về công tác chăm sóc thú y, bảo vệ duy trì vùng an toàn dịch bệnh...

Nguyễn Trung Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.