NSND Lê Khanh: Sự ưu ái từ nhiều lòng tốt cũng là một điểm tựa của thành công

16/02/2005 11:01 GMT+7

Lê Khanh vừa có một năm đặc biệt may mắn: tháng 8 trúng tuyển khoa Đạo diễn trường SKĐA Hà Nội, tháng 9 được bầu chọn là người phụ nữ của năm, tháng 10 giành HCV tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, tháng 11 trúng BCH Hội NSSKVN khóa 6. Và giáp Tết, chị lại được Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam bổ nhiệm làm đại sứ thiện chí Andersen. Chị bộc bạch về mình và về nghề...

* Một năm đầy may mắn, chị có nhận thấy như vậy về năm con khỉ vừa rồi của mình?

- Vâng, đúng là một năm có nhiều niềm vui. Nhưng đương nhiên, vui nào thì cũng đồng thời sẽ choàng lên mình những bổn phận mới.

* Phần thưởng nào là ấn tượng nhất đối với chị?

- "Người phụ nữ của năm". Mọi người trêu tôi: Khổ thân Khanh mất công làm phụ nữ bao năm mà tận giờ mới được công nhận. Còn ông xã thì cười khoái chí: Từ nay sẽ mặc sức tra tấn "người phụ nữ tiêu biểu" này!

* Có được nhiều thứ "trước tuổi" (NSƯT, NSND... ), chị dường như luôn giữ thế mạnh về sự "trẻ"?

- Quả vậy! "Trẻ" - đó là từ mà người ta luôn gắn cho tôi trong nhiều năm nay, ở mỗi vị trí, cột mốc... Điều này chứng tỏ: tiêu chí đó luôn có một hấp lực rất lớn với mọi người, nhưng tiếc là trong nhiều cơ cấu, "trẻ" lại thường chiếm vị trí quá khiêm tốn và thiểu số. Mong rằng, rồi đây, chữ "trẻ" không còn được xem như những điển hình cá biệt mà sẽ là lợi thế của cả thế hệ.

* Ngồi ghế BCH Hội, liệu một người trẻ như chị có ngại một tiếng nói trẻ cũng có thể lạc lõng trong một "bè trầm" gồm chủ yếu các vị... U.60?

- Cho dù một thực tế khá phổ biến: lớp cha chú thì thường giàu kinh nghiệm, nhưng ngại thay đổi; còn lớp trẻ thiếu kinh nghiệm thì lại táo bạo hơn. Trước thực trạng nền sấn khấu còn nhiều trì trệ của ta cũng như với đặc thù đào thải nghiệt ngã của nghệ thuật, tôi cho rằng, ngay cả toàn bộ 15 người trong BCH (chứ chưa nói là chỉ mình tôi), e cũng khó mà vực được nền sân khấu này dậy trong một sớm một chiều, nếu như mỗi một người không tự mình bứt phá.

* Trên cương vị mới, nội dung chuyên sâu nào sẽ được chị đặc biệt quan tâm?

- 5 năm một kỳ hội diễn - một cách châm lửa tưởng hẹn trước mà vẫn đột ngột, tưởng bài bản mà vẫn thiếu hệ thống, quá ít cơ hội cho anh chị em được thi thố, gặp gỡ... Vì vậy, theo tôi, cần thiết phải mở thêm nhiều sân chơi khác, nhỏ hơn nhưng với mật độ tổ chức dày hơn, dành cho từng lứa tuổi, loại hình, đề tài... Thay vì chỉ chú ý tôn vinh diễn viên, đạo diễn, hãy lưu tâm hơn đến các bộ phận "khuất sáng" khác.

* Điều chờ đợi trong 3 năm nữa có phải là một Lê Khanh - đạo diễn?

- Tôi đi học đạo diễn chưa hẳn đã để trở thành đạo diễn mà trước hết là để biết tư duy nghề một cách bài bản và khoa học hơn, biết khen, biết chê (trong nghệ thuật, điều này thật quan trọng). Và sau đó nữa là chăm chút đến việc đào tạo lớp diễn viên kế cận cho nhà hát...

* Cảm xúc đi học ở chị?

- Bao năm mới trở lại khu văn công Mai Dịch mà tiếc thay, vẫn bấy nhiêu sự cũ kỹ, xuềnh xoàng đến nhói lòng ấy! Bởi vậy, phút đầu tiên bước vào "ngưỡng cửa đại học", tôi không sao nén nổi niềm cảm phục xót xa những người thầy - nghệ sĩ bao năm vẫn bám trường, bám lớp...

* Còn chị thì sao, có bao giờ muốn dừng lại nghỉ ngơi?

- Điều đó vợ chồng tôi đã từng làm, nhưng lạ sao, tắt điện thoại di động đến ngày thứ 2 thì cả hai vợ chồng tôi cùng... bâng khuâng như người bị ốm!

* Nổi tiếng mà không điều tiếng, vẹn cả hai bề chồng con, sự nghiệp mà như không phải đánh đổi gì - mau mắn đó quả quả hiếm hoi ở một nữ nghệ sĩ!

- Nhiều khi tôi tự hỏi: trông mình mong manh như thế này (y như mèo - con vật tôi cầm tinh) mà kể ra cũng làm được khá nhiều việc đấy chứ. May mắn phải chăng là ít gặp phải những va vấp thông thường dễ khiến một người phụ nữ trở nên mềm yếu nhụt chí? Trong rất nhiều điểm tựa, tôi không chỉ có ý thức tự lực của bản thân, mà còn là nhờ vào sự ưu ái từ nhiều lòng tốt khác.

Theo TT&VH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.