Họ là ai?
Không chỉ đơn giản là những vệt máu loang lổ hay là những dấu máu đã đông cứng lại, không chỉ ngửi cái mùi tệ hại khiến người ta có thể nôn mửa, người thu dọn hiện trường tội ác (CSC) còn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh than, các chất dịch nguy hiểm tiết ra từ thi thể nạn nhân và các loại hóa chất độc hại. Đây có thể là một trong những lý do khiến nhiều người đi theo nghề này từng hoạt động trong ngành y. Họ có các kỹ năng tự bảo vệ mình. Tiêu chuẩn hàng đầu cho những ai muốn làm công việc khá bạc bẽo này là một thần kinh thép. Không những thế, họ còn phải tham dự những khóa học về các nguy hiểm mà họ có thể đối mặt khi làm việc, cách bảo vệ mình trước những loại nguy hiểm đó và học thuộc như cháo các điều luật do Cơ quan Quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) quy định.
Máu me và dòi bọ, chuyện nhỏ!
Những công việc thường ngày của họ bao gồm rửa sạch máu khỏi các bức tường và những vật dụng trong gia đình, thu dọn đồ đạc, xử lý các thi thể đang trong giai đoạn phân hủy (phổ biến nhất là những người chết tự nhiên tại gia không được ai biết đến) hoặc những thứ còn sót lại của các nạn nhân. Sau khi cảnh sát thu thập chứng cứ tội phạm trên hiện trường, toàn bộ phần còn lại là việc của CSC. Làm được những điều trên quả là không dễ dàng chút nào khi CSC mặc trên người bộ đồ Hazmat chống nguy hiểm cồng kềnh và nóng bức, kèm theo mặt nạ phòng hơi độc 2 lớp và đôi giày ống cao. Họ cũng thường phải đi dọn dẹp các phòng thí nghiệm bào chế thuốc ngoài luồng hay thu dọn các khu vực nghi nhiễm bệnh than, chuyện xảy ra như cơm bữa sau sự kiện 11/9.
Tùy theo từng trường hợp mà CSC có thể chỉ làm việc đôi ba tiếng đồng hồ/ngày hoặc làm quần quật suốt 3 ngày, mỗi ngày 16 giờ. Thu nhập cũng khá tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra. Một CSC mới vào nghề có thể kiếm khoảng 35 ngàn USD/năm và chỉ vài năm sau con số này có thể lên đến 75-80 ngàn USD. Cộng thêm những giờ tăng ca vào ban đêm, CSC bỏ túi khoảng 100 ngàn USD một năm. Còn nếu muốn có thu nhập ở mức 6 con số thì phải mở công ty và phải tạo được mối quan hệ tốt với các nhà xác địa phương, nhà tang lễ, văn phòng lo về các vụ giết người và văn phòng luật sư.
Thù lao cao thế nhưng tỷ lệ CSC bỏ nghề cũng khá cao. Một người đứng đầu Công ty Dịch vụ CSC cho biết ông luôn phải tuyển người mới hằng tháng. Còn những người bám trụ với nghề thường vì nhiều lý do sâu xa hơn là chuyện tiền bạc. Họ mong muốn có thể phần nào làm dịu đi cuộc sống của những người sống sót sau các vụ bạo lực, tai nạn, tự tử hay những sự kiện đau buồn khác. Muốn làm được điều đó, các CSC phải tuân thủ một nguyên tắc: không phê bình, không đánh giá vì họ sẽ chứng kiến những cảnh tượng hoặc những thứ mà họ không thể nào tưởng tượng ra. Ông Gospodarski - Chủ tịch Công ty Thu dọn hiện trường Bio-Recovery ở New York (Mỹ) bộc bạch: "Chúng tôi giống như các linh mục nghe xưng tội. Chúng tôi luôn im lặng".
Thụy Miên
Bình luận (0)