Xuất khẩu lao động - Một lợi ích “kép”

27/04/2005 00:23 GMT+7

Nói "kép" không chỉ theo nghĩa là hai, mà là nhiều - nhiều lợi ích do xuất khẩu lao động mang lại.

Đối với một nước hơn 82 triệu dân, với trên một nửa là số người trong độ tuổi lao động, nhưng số người thất nghiệp ở thành thị lên đến 5,6% và số thời gian chưa được sử dụng ở nông thôn lên đến trên 20%, thì xuất khẩu lao động là một kênh giải quyết việc làm cho lao động rất có ý nghĩa. Trong mấy năm gần đây, số lao động đi xuất khẩu của nước ta mỗi năm đã lên đến trên dưới 70 nghìn người và đến nay đã có khoảng 400 nghìn người Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 nước và vùng lãnh thổ. Song, nếu so với Philippines có cùng số dân và số người trong tuổi lao động như Việt Nam thì kết quả trên còn thấp hơn rất nhiều. Năm 2004, nước này đã có 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa Philippines vượt qua Mêhicô trở thành nước xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới. Cho đến nay, nước này có khoảng 8 triệu lao động làm việc ở 56 nước, đông nhất là tại Mỹ, Ả Rập Saudi, Malaysia, Canada, Nhật Bản...

Xuất khẩu lao động cũng là một kênh đem lại một nguồn thu nhập quan trọng cho đất nước. Theo ước tính, số lao động xuất khẩu năm 2004 đã gửi về cho gia đình khoảng 1,5 tỉ USD, bình quân mỗi lao động khoảng 3.750 USD hay 302,5 USD một tháng, cao gấp nhiều lần phần dôi ra sau khi trừ đi chi tiêu cho ăn uống của lao động ở trong nước. Một tỉ rưỡi USD tuy chưa thấm tháp gì so với Philippines (số tiền gửi qua kênh chuyển tiền chính thức là trên 7 tỉ USD, còn theo ước tính của ADB tính thêm cả kênh chuyển tiền không chính thức thì tổng số lên đến 14 - 21 tỉ USD, chiếm 32% GDP của nước này), nhưng đã chiếm khoảng 3,3% GDP của cả nước và tương đương với nguồn vốn ODA giải ngân trong năm.

Với những kinh nghiệm, học hỏi được ở nhiều nơi trên thế giới (từ nghề nghiệp cụ thể đến tác phong công nghiệp, trình độ quản lý...), cùng với số vốn tích lũy được sau những năm làm việc ở nước ngoài, nhiều lao động đã và đang trở về quê hương đầu tư xây dựng nhà cửa, lập ra những doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù xuất khẩu lao động đã đạt được nhiều kết quả, nhưng về mặt này cũng còn một số vấn đề cần giải quyết. Một mặt, đơn vị làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động cần phải có chính danh là một doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, thực hiện công khai minh bạch trong lĩnh vực này, đồng thời có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm đối với số lao động do mình đưa đi xuất khẩu; nghiêm trị những đơn vị làm ăn lừa đảo; vô trách nhiệm đem con bỏ chợ...; tạo thành thương hiệu làm ăn có tín nhiệm, từ việc dạy tiếng, dạy nghề, dạy tác phong... Mặt khác, người đi xuất khẩu lao động là người hơn ai hết nhận thức đầy đủ về việc đi xuất khẩu của mình: khi đi phải biết tiếng nước ngoài, phải có tay nghề, phải có chí; rồi phải học lấy một nghề, phải tiết kiệm, vừa có tiền để trả nợ vay khi đi và có vốn khi trở về làm ăn, tránh tình trạng làm thuê mà ăn tiêu hơn ông chủ như đã từng xảy ra ở một số nơi; tránh bỏ trốn hoặc có những hành động vi phạm pháp luật của nước sở tại. Mặt khác nữa là Nhà nước cần làm cho người lao động xuất khẩu yên tâm khi ra đi thuận lợi cũng như được bảo vệ về quyền lợi và sự an toàn của họ tại nước ngoài thông qua hệ thống đại sứ quán Việt Nam ở các nước và thông qua Hiệp định song phương về hợp tác và xuất khẩu lao động...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.