Vi phạm giao thông qua hình ảnh: Chỉ có 13,8% trường hợp vi phạm tự giác đóng phạt

27/04/2005 00:41 GMT+7

* Sẽ có biện pháp cưỡng chế người vi phạm Trong lúc số vụ vi phạm bị ghi hình ngày càng tăng thì tỷ lệ người vi phạm tự giác chấp hành lên đóng phạt ngày càng giảm. Để thực thi pháp luật, Công an TP.HCM cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế những trường hợp "chây lỳ" không đến đóng phạt theo giấy mời.

Không đến đóng phạt vì sợ bị... giữ xe

Đề án xử phạt người vi phạm giao thông qua hình ảnh ở TP.HCM được triển khai từ ngày 10/9/2004. Đánh giá kết quả qua hơn 7 tháng triển khai, Phòng CSGT đường bộ (PC26) Công an TP.HCM - đơn vị thực hiện ghi hình, xử phạt - cho rằng: "Đề án đã tác động, tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức chấp hành luật giao thông trong nhân dân. Mọi người tham gia giao thông đã có ý thức tự giác đi đúng làn đường, đúng tín hiệu đèn, dừng đèn đỏ đúng vạch sơn quy định...". Với hiệu quả khả quan, CSGT đang tăng cường lực lượng để triển khai mạnh mẽ đề án. Hiện nay, bình quân mỗi ngày CSGT ghi hình, trích xuất hình ảnh và gửi phiếu báo hơn 3.000 trường hợp vi phạm, tăng 15 lần so với ban đầu và tăng hơn 252% so với tháng 3/2005.

Đối với người vi phạm bị ghi hình, CSGT cho biết đa số trường hợp khi mang giấy mời đến địa điểm đóng phạt, xem xong hình ảnh vi phạm đều vui vẻ nhận ngay ra lỗi của mình và chấp hành đóng phạt. "Có rất ít trường hợp đề nghị được xem băng ghi hình trước khi đóng phạt. Như trong tháng 3/2005 chỉ có 2 trường hợp, nhưng khi xem xong đều vui vẻ chấp hành đóng phạt. Cá biệt có một phụ nữ ở Q.1 khi xem xong băng ghi hình đã vui vẻ chấp hành đóng phạt cả... 7 lần vi phạm trong tháng 3" - thiếu tá Phạm Công Danh - Phó giám đốc Trung tâm Điều khiển giao thông cho biết. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng người vi phạm khi nhận được giấy mời đã cố tình không lên đóng phạt. Tính đến hết ngày 21/4, mới chỉ có 18.953 trường hợp, trong tổng số hơn 136.700 trường hợp vi phạm đã hoàn thành phiếu báo, đến đóng phạt theo thư mời, đạt 13,8%. Trong khi đó, trong tháng đầu tiên triển khai, tỷ lệ này đạt đến 48% và ở thời điểm cuối tháng 3/2005 là 16,56%.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 37/2005 quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 8/4/2005. Theo đó, những tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không chấp hành sẽ bị cưỡng chế bằng các biện pháp: khấu trừ một phần tiền lương hoặc một phần thu nhập nhưng không quá 30% trên tổng số tiền lương, trợ cấp hoặc không quá 50% tổng thu nhập thực tế; khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng; kê biên một phần tài sản có giá trị tương ứng số tiền phạt để bán đấu giá...

Theo phân tích của Phòng PC26, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành luật pháp của người vi phạm chưa nghiêm. Trong tổng số hơn 136.700 trường hợp vi phạm, người sử dụng xe gắn máy chiếm trên 75% và có khoảng 50% trong số đó vướng lỗi vượt đèn đỏ, lưu thông vào đường một chiều, chở quá số người quy định... Đây là những lỗi sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện 20 ngày theo Quyết định 106/2003 của UBND TP.HCM. "Nhiều người vi phạm do sợ bị tạm giữ phương tiện nên đã không đến đóng phạt theo thư mời" - thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng PC26, cho biết. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là bộ phận thực hiện đề án đang bị quá tải, dẫn đến còn tồn một lượng khá lớn phiếu báo sau khi hoàn thành chưa phát được đến người vi phạm.

Tự giác nộp phạt: không giữ xe - Chây lỳ: cưỡng chế!

Để đảm bảo vừa thực thi nghiêm luật pháp, vừa sát với thực tiễn, Phòng PC26 đã kiến nghị và được Công an TP.HCM, UBND TP.HCM chấp thuận việc không áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện đối với những trường hợp tự giác lên đóng phạt theo giấy mời. "Chúng tôi đề xuất vấn đề này dựa trên quan điểm hành vi vi phạm đó được ghi hình, đến lúc lập biên bản ra quyết định xử phạt thì hành vi đó đã chấm dứt nên có thể chấp nhận không áp dụng biện pháp ngăn chặn" - thượng tá Thịnh giải thích. Còn đối với những trường hợp cố tình không lên đóng phạt, thượng tá Thịnh khẳng định sẽ tiến hành cưỡng chế nộp phạt: "Nếu sau lần gửi giấy mời thứ hai mà người vi phạm vẫn không đến đóng phạt thì khi gửi giấy mời lần ba, CSGT sẽ cùng công an phường xuống lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và phương tiện để yêu cầu người vi phạm lên xử lý". Về tính khả thi của biện pháp này, thượng tá Thịnh cho biết cái khó nhất là thiếu lực lượng cũng đã được công an thành phố lường trước, nên yêu cầu công an các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với CSGT để thực hiện.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.