Đoàn giám sát cho rằng tiến độ đầu tư của Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) triển khai chậm do quy hoạch chi tiết chưa sát thực tế, phải thay đổi nhiều lần, phần lớn đều phải điều chỉnh lại, việc lựa chọn một số đơn vị tư vấn chưa tốt và công tác thẩm định phê duyệt các dự án, thiết kế tổng dự toán thường bị kéo dài. Tổng giá trị thực hiện đầu tư giải ngân của QTSC tính đến hết quý I năm 2005 là 222 tỷ 648 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách cấp là 156 tỷ 128 triệu đồng, chỉ bằng hơn 50% tổng mức đầu tư mà TPHCM quyết định ghi vốn cho QTSC (300 tỷ đồng trong giai đoạn 2001 - 2005). Nhiều doanh nghiệp đầu tư trong QTSC không tuân thủ quy định báo cáo định kỳ nên cơ quan chức năng không có cơ sở đầy đủ để đánh giá hiệu quả hoạt động, doanh số và tốc độ phát triển chung. Quá trình thực hiện đầu tư các dự án cải tạo và mở rộng các tuyến đường từ trung tâm thành phố xuống QTSC chậm và có nhiều yếu kém nên đã có không ít nhà đầu tư lớn từ chối tham gia đầu tư. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực ở đây chưa tương xứng với yêu cầu của thị trường quốc tế, năng suất lao động còn thấp, thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích và hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp. Mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh số xuất khẩu phần mềm vào năm 2005 của QTSC đã được điều chỉnh, rút xuống còn khoảng 50 - 70 triệu USD/năm song vẫn rất khó có khả năng thực hiện được. Hiện nay, QTSC thu hút được 65 doanh nghiệp, trong đó có 32 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài; tổng vốn thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế đạt trên 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là 11 triệu USD và khoảng 3.300 người đang học tập và làm việc tại đây.
Thường trực HĐND TPHCM yêu cầu Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung có phương án nâng cao khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tập hợp những kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất những yêu cầu cụ thể về hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý điều hành, xây dựng chính sách thực sự ưu đãi để thu hút đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Tại Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM, dự án có quy mô lớn nhất trong tổng số 73 dự án xây dựng trên địa bàn quận 9 ( 913 ha trong giai đoạn I), Đoàn giám sát đặc biệt chú ý đến việc thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Ban Quản lý KCNC, hiện mới chỉ giải quyết được 23% số hộ tái định cư (470 hộ trong tổng số 1.965 hộ), trong khi đó số hộ chịu ảnh hưởng theo dự kiến là 3.238 hộ với 12.952 nhân khẩu. Chính quyền quận đang chịu áp lực rất lớn do người dân liên tục khiếu nại, thắc mắc xung quanh chính sách giá bồi thường; người dân đồng ý di dời cũng đang phải sống tạm cư do tiến độ xây dựng các khu tái định cư chưa đạt yêu cầu, việc mua nền tái định cư không thuận lợi và giá còn cao. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đã yêu cầu Ban Quản lý KCNC có quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư rõ ràng, đề xuất về việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, vốn đầu tư đồng thời có phương án đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư.
Theo Ban quản lý KCNC, đến nay vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu tại đây đã vượt quá tổng vốn được Thủ tướng phê duyệt cho giai đoạn I là 489,8 tỷ đồng. Tại Khu Công nghệ cao đã có 8 dự án được cấp phép với tổng số vốn trên 41 triệu USD và 71 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị khởi công xây dựng dự án tại đây.
Theo TTXVN
Bình luận (0)