Vi phạm bản quyền: Thui chột sự sáng tạo

28/04/2005 00:01 GMT+7

Theo điều tra của Tập đoàn IDC tiến hành năm 2004, các nước đứng đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm gồm: Trung Quốc: 92%; Việt Nam: 92%; Ukraine: 91%; Indonesia: 88%; Zimbabwe: 87%; Nga: 87%; Algeria: 84%; Nigeria: 84%; Pakistan: 83%; Paraguay: 83%... Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trung bình trên toàn thế giới là 36%. Tính riêng theo khu vực địa lý chỉ có Mỹ/Canada thấp nhất: 23%, còn lại cao chất ngất: Đông u: 70%; Mỹ Latinh: 63%; Trung Đông/châu Phi: 55%; châu Á - Thái Bình Dương: 53%; Tây u: 36%.

Theo ông Jeffrey Hardee - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA): "Tỷ lệ vi phạm bản quyền của một quốc gia là chỉ số quan trọng để phân biệt giữa những nước tranh thủ được các lợi ích kinh tế to lớn do công nghệ thông tin đem lại và những nước để lãng phí cơ hội này. Theo dự báo, ngành công nghệ thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng với tốc độ 54% trong giai đoạn 2002 - 2006, chỉ cần cắt giảm 10% tỷ lệ vi phạm bản quyền, ngành công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng tới 93%. Không những thế còn giúp cho khu vực này tăng quy mô của ngành công nghệ thông tin lên gấp đôi". Ông Jeffrey Hardee đã có những đề xuất cụ thể với Việt Nam như tăng cường pháp chế về bản quyền. Đó chính là thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ, Công ước Berne, Hiệp ước về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Ngoài ra là tăng cường đào tạo về nhận thức, có các hình thức cưỡng chế về tài nguyên và đào tạo. Nhưng trên thực tế, Luật SHTT mới đang được xây dựng và theo lộ trình có thể đến tháng 10.2005 mới được Quốc hội thông qua.

 

Nhưng kể cả BSA, kể cả Cục SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ đều nhận thấy ở Việt Nam việc thi hành luật trong mọi lĩnh vực đều phức tạp và khó khăn hơn xây dựng và ban hành luật rất nhiều. Thực thi quyền SHTT có thể được thực hiện thông qua các chế tài dân sự, hình sự và xử phạt hành chính. Song các quy định hướng dẫn việc thực hiện quyền SHTT theo các chế tài dân sự và hình sự còn sơ sài, không cụ thể nên khó thực hiện trong khi các nghị định hướng dẫn xử phạt hành chính lại chi tiết, cụ thể và dễ thực hiện. Thế là việc chế tài hoạt động bảo hộ quyền SHTT bằng các biện pháp hành chính lại được sử dụng thường xuyên hơn các biện pháp dân sự. Về thực thi, các cơ quan có quyền xử phạt hành chính về SHTT gồm UBND các cấp, thanh tra khoa học - công nghệ, thanh tra văn hóa - thông tin, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan. Chỉ trừ hải quan thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu còn các cơ quan còn lại không có ai chịu trách nhiệm chính hoặc làm nhiệm vụ điều phối quá trình thực thi quyền dẫn đến việc đùn đẩy, trông chờ nhau.

 

Theo nhà điêu khắc Trần Tuy, hiện số tranh Bùi Xuân Phái được quảng cáo là thật trên thị trường nhiều gấp ba, gấp bốn tranh họa sĩ vẽ lúc đương thời. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thậm chí không phân biệt được tranh giả nhái tác phẩm của mình. Sự sao chép, ăn theo sẽ làm cùn mòn sáng tạo và triệt tiêu khả năng vươn tới tài năng nghệ thuật đích thực. Tương tự, trong lĩnh vực đem lại lợi nhuận khổng lồ như sản xuất, xuất khẩu phần mềm, BSA đã cảnh báo: nếu tiếp tục vi phạm bản quyền phần mềm với tỷ lệ cao, chẳng những không bao giờ thu được những lợi ích kinh tế to lớn mà còn thui chột luôn sự sáng tạo của dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ, những người sử dụng phần mềm nhiều nhất.

 

Kiều Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.