7 bị cáo còn lại có kháng cáo đều bị tòa bác đơn và tuyên y án sơ thẩm mức hình phạt cụ thể: Đỗ Công Toàn (tức Toàn "sáu ngón", kẻ trực tiếp sát hại anh Thắng) án tử hình; Lâm Thanh Phong (em trai Lâm Bích Thủy) và Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn "con", một đàn em thân tín của Trà Hinh và là kẻ giữ vai trò quyết định trong vụ sát hại anh Thắng) cùng mức án tù chung thân; y án 20 năm tù với 2 bị cáo Lê Bá Long (tức Long Đào) và Lâm Ngọc Hải (tức Hải "quắn"), 16 năm tù đối với Nguyễn Sơn Vũ (các bị cáo trên bị truy tố về cùng tội danh "giết người"); tuyên phạt Nguyễn Thành Long (tức Long "đại tá") 3 năm tù về tội "che giấu tội phạm".
Theo HĐXX, cái chết bi thương của anh Đặng Vũ Thắng xuất phát từ việc làm sai trái của Lâm Bích Thủy là "thuê côn đồ đánh dằn mặt đồng nghiệp để trả thù việc anh Thắng tố cáo tiêu cực của lãnh đạo TCVSG". Song tại phiên tòa, Phong, Tuấn Tiệp, Hải "quắn" đều xác định khi thuê băng nhóm giang hồ do Trà Hinh cầm đầu, các bị cáo chỉ được yêu cầu "đánh dằn mặt" chứ không phải giết chết anh Thắng. Ngay cả Toàn "sáu ngón" cũng thừa nhận khi đi đánh anh Thắng, Trà Hinh cũng chỉ yêu cầu gây thương tích. Vì vậy, theo HĐXX, dù hành vi của Thủy có tính chất đê hèn nhưng xét thấy bản án tử hình mà án sơ thẩm tuyên buộc đối với Thủy là quá nghiêm khắc.
Như Thanh Niên đã thông tin, giữa năm 2001, do nghi ngờ anh Đặng Vũ Thắng (nguyên Phó phòng Kế toán - Tài vụ TCVSG) đã cung cấp thông tin cho Báo Thanh Niên phanh phui nhiều tiêu cực của lãnh đạo TCVSG trong việc xây dựng các công trình tại TCVSG, Lâm Bích Thủy (nguyên là thủ quỹ TCVSG) đã bàn bạc cùng em trai là Lâm Thanh Phong thuê băng giang hồ do Trà Hinh (tức Trần Đức Trà, một trùm xã hội đen, hiện đang bị truy nã) cầm đầu "đánh dằn mặt" anh Đặng Vũ Thắng. Chiều ngày 22.8.2001, bọn chúng đã ra tay sát hại anh Thắng khi anh trên đườâng về nhà. Mặc dù cuối năm 2004, 11 bị cáo đã phải ra trước vành móng ngựa và lãnh án nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn dư luận vì nhiều người cho rằng vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cụ thể là đối với nguyên Giám đốc TCVSG Nguyễn Quốc Thắng. Mãi đến phiên tòa hôm qua, vấn đề này mới được đại diện Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề cập đến.
Theo công tố viên Trần Ngọc Lẫm (Viện phó Viện Xét xử phúc thẩm, Viện KSND tối cao tại TP.HCM), án sơ thẩm chưa điều tra, làm rõ đối với các hành vi của ông Nguyễn Quốc Thắng nhưng lại cho rằng ông Thắng không liên can là chưa đầy đủ và toàn diện. Ông Lẫm phân tích: "Anh Đặng Vũ Thắng bị sát hại ngày 22/8/2001 thì trước đó đúng 1 ngày, ông Nguyễn Quốc Thắng lại bị bỏ phiếu kỷ luật với hình thức khiển trách. Vấn đề này có liên quan với nhau hay không chưa được điều tra làm rõ". Chưa hết, trong quá trình điều tra, Lâm Bích Thủy khai nhận rằng khi kêu Phong thuê giang hồ đánh anh Thắng, Thủy có nói với ông Thắng và ông Thắng nói "để từ từ". Sau khi anh Thắng bị giết chết, Thủy cũng lặp lại vấn đề trên một lần nữa với ông Thắng. Qua đối chất tại cơ quan điều tra, ông Thắng cũng đã thừa nhận "có nghe Thủy nói". Nhận xét về tình tiết này, ông Lẫm nói: "Ông Thắng có biết chuyện trên nhưng lại không tố giác với cơ quan chức năng. Nếu như ông Thắng tố giác thì vụ án không phải kéo dài đến gần 3 năm". Công tố viên Trần Ngọc Lẫm nhấn mạnh: "Nếu như nói rằng ông Thắng vô can trong vụ án này là không toàn vẹn, đầy đủ...".
Rất đáng tiếc là sau khi tuyên án, HĐXX cấp phúc thẩm lại không hề nhận định gì về những phân tích thấu đáo của công tố viên!
Minh Thuận
Bình luận (0)