Phòng quản lý nhà đất, Cục Quản lý giá cho biết, vào thời kỳ "sốt", cứ quý I là giá bất động sản lại lên, nhưng nay tình hình đã khác. Giá chuyển nhượng đất ở đô thị, nông thôn bao gồm cả đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp hầu như không biến động, thậm chí giảm. Tại Hà Nội, trừ một vài khu chung cư cao cấp, còn lại các khu khác đều giảm đáng kể, từ 50 đến 70 triệu đồng/căn. Những sự cố liên tiếp bị vạch trần đã đánh mất niềm tin của không ít khách hàng. Giá nhà đất tại khu trung tâm, nhất là những loại có giá trị lớn hoặc ở khu vực phố cổ có xu hướng hạ 50-500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhà mặt đất ở các quận nội đô khác vẫn đứng giá vì chủ yếu do giới đầu cơ tung ra kiếm lời. Ở TP.HCM và Đà Nẵng, giá chuyển nhượng không giảm mạnh như tại Hà Nội song cũng không tăng so với cuối năm ngoái .
Giá cả hợp lý hơn nhưng khối lượng giao dịch lại giảm đáng kể. Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho hay, giao dịch trong thời gian này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ. Hiện gần 100 văn phòng giao dịch nhà đất, quy mô nhỏ trên địa bàn các quận đã ngừng hoạt động.
Bà Hải Yến, Giám đốc trung tâm bất động sản Basao Hà Nội cho biết, cả tháng chỉ có 4-5 giao dịch thành công. Với tình hình này, nếu không có các dịch vụ giá trị gia tăng khác như tư vấn, thẩm định giá... thì trung tâm lỗ nặng. Thực tế ở Hà Nội, ngoài các trung tâm như Basao có công ty mẹ đỡ đầu, ACB phục vụ chủ yếu cho ngân hàng, thì chỉ có Quindo làm môi giới bài bản, nhưng đang rất khó khăn. Còn hầu hết chỉ có các trung tâm môi giới cò con, chi phí thấp mới tồn tại.
Nguyên nhân khiến thị trường rơi vào tình trạng cung vượt cầu, theo phân tích của bà Yến là đã đến thời điểm các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó khăn về tài chính phải nộp thêm tiền ở các căn hộ hay đất dự án đã mua trên giấy. Họ đua nhau bán ra trong khi nhu cầu mua nhà để ở rất ít. Đây cũng là thời gian tâm lý người mua chờ đợi chính sách đồng bộ của Nhà nước (về cả quy hoạch, về chính sách tài chính và cả về các căn cứ pháp lý trong giao dịch mua bán). Giá vàng ở mức cao, biến động thất thường cũng phần nào cản trở giao dịch.
Đặc biệt, hơn tháng nay động thái tăng lãi suất của các ngân hàng đang tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Giám đốc một công ty tư nhân có các dự án đô thị tại Hải Dương lo lắng, trong thời điểm thị trường địa ốc đóng băng, thì mong đợi một sự quay vòng vốn nhanh chóng là không tưởng. Và mỗi tuần, mỗi tháng chậm trễ sẽ là những khoản nợ lãi chồng chất.
Ông Trần Văn Thắng, Giám đốc Công ty Hùng Vương (Hải Phòng) cho biết đã qua rồi thời mua đi bán lại bất động sản cho lời gấp 2-3 lần. Với các nhà đầu tư nhỏ, nếu tìm được căn hộ nào hợp lý lắm mới có lãi vài chục triệu, mà cứ cố tiếp tục "ôm" trong bối cảnh hiện nay không biết nó sẽ giảm giá đến đâu, bao giờ bán được. Đua nhau bán ra trong khi không có người mua khiến thị trường càng ảm đạm.
Đối với người dân có nhu cầu tìm một chốn an cư, giải pháp vay vốn ngân hàng xem ra quá khó khăn. Anh Thành Trung, nhân viên Vietnam Airlines tần ngần cầm hồ sơ thuê nhà rời công ty Hancico. Anh tính toán với lãi suất cho vay mua nhà 1,2%/tháng như hiện nay, nếu vay 200 triệu vợ chồng anh sẽ phải trả lãi 2,4 triệu đồng/tháng, chưa kể lãi suất vay lại không cố định trong suốt thời hạn 7 năm mà thả nổi theo thị trường. Anh tâm sự: "Với thu nhập cả hai vợ chồng khoảng hơn 6 triệu/tháng, chúng tôi đành tiếp tục thuê nhà không lấy đâu tiền nuôi con". Với thời hạn tối đa là 7 năm, lãi suất cao như hiện nay, một gia đình công chức khó có khả năng trả được nợ cho ngân hàng.
Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội thừa nhận, trong thời gian qua Habubank đã triển khai dịch vụ cho vay mua nhà, tuy nhiên doanh số chưa được nhiều. Ngân hàng xác định đây là nhóm đối tượng những người có thu nhập trung bình trở xuống là chủ yếu, vì thế lãi suất cho vay còn cao với những người có nhu cầu mua nhà thực sự.
Theo KTĐT
Bình luận (0)