Giáo dục vì sự nghiệp giải phóng miền Nam: Món nợ cả cuộc đời

28/04/2005 23:30 GMT+7

LTS: Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng vừa nghỉ hưu sau khi rời chức vụ Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM. Ông nguyên là Giám đốc Sở GD - ĐT thành phố. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Toán - Lý năm 1964, ông được cử về tỉnh Phú Thọ dạy lớp chuyên Toán đầu tiên của nước ta. Năm 1968, ngay khi Đảng ta chuẩn bị mọi mặt về nhân tài, vật lực để chi viện cho miền Nam, ông đã có mặt trong đoàn cán bộ giáo dục lên đường đi B. Đây là một phần hồi ức của ông về quãng thời gian này...

Những năm 1969, 1970, 1971 là những năm vô cùng khó khăn cho cách mạng miền Nam sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân. Ở đồng bằng, mỗi khi nghe tiếng máy bay địch thì không biết trốn đi đâu bởi xung quanh là đồng trống, thỉnh thoảng mới có vài bụi cây lúp xúp. Biết tâm lý của chúng tôi, các em giao liên trấn an: "Mấy anh chị cứ làm theo tụi em, khi nào biểu chạy thì chạy, biểu núp thì núp, em sẽ dành chỗ tốt nhất cho các anh!". "Dành chỗ tốt nhất cho các anh" có nghĩa là những chỗ núp không an toàn sẽ thuộc về các em. Chọn giữa sống và chết mà các em nói cứ như không. Các em còn động viên: "Nó bay qua chưa chắc đã thấy mình; thấy mình chưa chắc đã bắn; bắn chưa chắc đã trúng; mấy anh đừng quá lo!". Trời, bài học về sự lạc quan này, ai dạy mà các em truyền đạt lại cho chúng tôi một cách rõ ràng, sinh động và đúng lúc vậy?

Khác với trên đường Trường Sơn, giao liên đưa chúng tôi về miền Tây ở đây đều trẻ, rất trẻ, ít em quá 20 tuổi, có cả nữ, có em như vừa qua tuổi thiếu niên, chắc là mới rời khỏi vòng tay của má ở nhà. Tôi nhớ có lần khoảng 4 giờ chiều thì đoàn tới một trạm giao liên để ngủ qua đêm. Tôi đang ngồi rũ xuống vì mệt thì thấy một em giao liên đang vác mấy ống trúm, lội nước ra ngoài. Thấy tôi thắc mắc sao em không nghỉ cho lại sức mà còn lội đi đâu, em trả lời một cách tự nhiên: "Em tranh thủ đi đặt mấy ống trúm, bắt lươn cho các anh ăn, có sức mà đi tiếp ngày mai. Phải làm liền, chớ không thì tụi lính trong đồn lựa hết mấy chỗ ngon mà đặt!". Khi đó tôi mới để ý là cùng với các ống trúm, em còn vác theo khẩu AK. Ôi, tôi cứ tưởng trên đời chỉ có cha mẹ mới có thể sẵn sàng xả thân lo cho con mình như vậy thôi, chứ anh em ruột thịt cũng chưa chắc có được cử chỉ đó.

 

Tác giả trong một buổi sinh hoạt chuyên môn ở chiến khu

Nhớ một thời kỳ tôi bị thương nặng, phải nằm cố định một chỗ. Cơ quan cử cho một em giao liên tên là Chiến, chừng 18 tuổi, trắng trẻo, tóc loăn xoăn, đẹp như thiên thần để chăm sóc. Một lần, vào buổi sáng, em đang chống xuồng giữa đồng để kiếm rau, cá thì máy bay trực thăng địch tới quần trên vùng chúng tôi đang ẩn. Nằm trong chòi, tôi chuẩn bị lựu đạn (chỉ có mỗi một trái để phòng thân) mà lòng thắc thỏm lo không biết em có kịp nhận  chìm xuồng mà núp máy bay không. Chợt tôi nghe tiếng lội nước rón rén. Hóa ra là Chiến. Thấy em lội ruộng về, tôi la: "Chiến, bộ muốn bị máy bay bắn chết sao mà không chịu núp, còn lội về đây?". Em nhoẻn miệng cười rất tươi, trả lời nhỏ nhẹ: "Em sợ anh Tư lo vì phải nằm một mình trong chòi!". Tôi nghẹn lời, biết rằng em nào có nghĩ gì đến bản thân đâu, chỉ lo "hộ mệnh"  tôi thôi.

Có một lần, tôi đang nằm trong quân y. Biết tôi là thầy giáo, các thương binh hay hỏi chuyện này chuyện khác, nhờ giải thích. Có em hỏi tôi về hiện tượng lội xuống bùn, thấy khí sục lên. Tôi giải thích: “Đó là khí mê-tan có trong bùn thoát ra ngoài. Nó nhẹ hơn không khí nên bay lên cao". Nào ngờ, một em đặt tiếp câu hỏi: "Vậy nếu mình hứng được thật nhiều khí đó vô một cái bao thật lớn, thật kín, cột chặt  rồi đu theo cái bao, mình có bay lên được không trung không, anh Tư?". Người đạt câu hỏi sắc sảo chỉ mới biết đọc biết viết nên chắc chắn chưa biết gì về hai anh em Montgolfier và phát minh khinh khí cầu của họ! Tôi reo thầm: "May mắn thay cho ai được dạy những con người này!".

Hơn 30 năm qua rồi, các em của tôi có người đã hy sinh, có người trưởng thành. Nay gặp mặt, chắc anh em cũng khó mà nhận ra nhau. Tôi còn nợ các em một lời cảm ơn về những gì các em đã làm cho tôi nói riêng và những thầy cô giáo đi B chúng tôi nói chung. Nợ các em vì chưa giờ nào được may mắn dạy các em học. Hơn thế nữa, còn nợ các em về những bài học sống động được thọ giáo từ cuộc đời các em trong những năm tháng không bao giờ quên ấy. Nợ các em suốt đời vì chính các em đã là người thầy thật sự của chúng tôi. Ráng sống đẹp như các em thời ấy đã từng sống và góp phần làm cho thế hệ trẻ ngày nay sống đẹp, liệu có thể xem đây là lời tri ân chúng tôi xin gửi đến các em không?

TS Hồ Thiệu Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.