Đài VOA của Mỹ: Việt Nam đang xây dựng một hình ảnh mới

29/04/2005 23:51 GMT+7

Nhân sự kiện Việt Nam kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất, VOA (Voice of America - Đài Phát thanh nước Mỹ) đã có loạt bài viết về quá khứ chiến tranh, chặng đường 30 năm qua và tương lai của Việt Nam... Thanh Niên xin trích đăng một số bài từ website chính thức của VOA.

Việt Nam - ba mươi năm, một hình ảnh mới (Trích bài viết của phóng viên Ernest Leong)

Khoảng 2 triệu người Việt Nam và 58.000 lính Mỹ đã chết trong chiến tranh cách đây hơn 30 năm. Trong khi người Mỹ nhớ tới ngày 30/4/1975 như là một điểm tối trong lịch sử thì Việt Nam đang chào đón ngày giải phóng của mình. Tuy nhiên, có quá nhiều thay đổi trong suốt 30 năm qua và kẻ thù ngày xưa đang được chào đón như những người bạn.


Thầy trò tại Hải Lăng, Quảng Trị tặng hoa cho các cựu binh Mỹ tháng 4/2005 (Ảnh: AP)

Chiến tranh kết thúc, Việt Nam đã trải qua những năm tháng đơn độc và nghèo khổ trước khi đổi mới nền kinh tế vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, trên các ngả đường TP Hồ Chí Minh, ta có thể gặp những bạn trẻ cưỡi xe máy, tán gẫu với nhau qua điện thoại di động, khách du lịch nước ngoài chụp ảnh xe tăng và máy bay cũ. Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền, nhưng nền kinh tế hiện đang rất cởi mở.

Anh Lương, một học sinh 15 tuổi, nói: "Học sinh ở Việt Nam đều muốn tìm hiểu nước Mỹ, mọi thứ về nước Mỹ". Cô công nhân Nguyễn Thị Thúy Phượng chia sẻ quan điểm này: "Chúng tôi là thế hệ sinh sau chiến tranh. Những người trẻ tuổi như chúng tôi phải học tập để hoàn thiện bản thân". Sự cởi mở này phản ánh chính sách đối ngoại hiện tại. Năm 2003, chiếc tàu quân sự đầu tiên của Mỹ đã ghé thăm TP Hồ Chí Minh kể từ khi chiến tranh kết thúc. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã có chuyến bay thẳng tới Việt Nam. Đối với nhiều người, đây là cơ hội để củng cố các quan hệ cá nhân; đối với người khác, đây là dịp để hàn gắn vết thương.

Nhiều người Việt Nam trong quá khứ chỉ biết đến chiến tranh, chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ... Giờ đây, một thế hệ có nền tảng giáo dục cao và đầy tham vọng đang nỗ lực hết mình để đưa Việt Nam tới một vị thế cao hơn trên trường quốc tế, xây dựng một hình ảnh mới cho đất nước này.

Chiến tranh lùi xa, Việt Nam nhìn về phía trước (Bài viết của phóng viên Kay Johnson nhân chuyến thăm Hà Nội tháng 4/2005)

Với nhiều người bên ngoài Việt Nam, sự sụp đổ của Sài Gòn vào tháng 4/1975 là một sự kiện kinh hoàng qua hình ảnh những con người leo lên mái một ngôi trường Sài Gòn để chờ máy bay đưa ra tàu chiến của Mỹ đậu ngoài khơi. Đối với cụ bà Huỳnh Kim Vinh, 30/4 là một dịp để vui mừng. Trong chiến tranh, bà Vinh đã dành tuổi xuân của mình để tham gia làm đường Hồ Chí Minh cho phía Cộng sản; đây là tuyến giao thông huyết mạch kéo dài từ Bắc đến Nam Việt Nam. Đơn vị của Vinh đã trải qua bao ngày hiểm nguy trong rừng rậm dưới mưa bom của Mỹ; quê hương Hà Nội của bà cũng điêu tàn sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh máy bay ném bom miền Bắc năm 1972. Khi nghe tin Sài Gòn sụp đổ, Vinh mừng vô hạn vì phe của bà đã chiến thắng. "Thời đó, tất cả những người mà tôi biết đều căm thù Mỹ sâu sắc. Chúng tôi làm việc không quản đêm ngày để khai thông tuyến đường phục vụ cho nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và lương thực vào giải phóng miền Nam và tiêu diệt quân Mỹ" - bà Vinh nói.


Đoàn cựu binh Mỹ tại cầu Hiền Lương tháng 4/2005 (Ảnh: Reuters)
30 năm sau, vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thái độ của mọi người đối với Mỹ - kẻ thù một thuở của họ - đã thay đổi. Ngay cả bà Vinh, hiện đã 67 tuổi, cũng nói mình không ghét nước Mỹ nữa dù chồng bà đã chết ngoài chiến trường. Giờ đây, giữa Hà Nội, hầu hết mọi người đều chưa thể quên quá khứ chiến tranh nhưng họ nói có thể tha thứ tất cả. Washington và Hà Nội cuối cùng đã thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 10 năm, giao thương nói chung là tốt đẹp. Năm 2000, ông Bill Clinton - lúc đó là Tổng thống Mỹ - đã được chào đón như một ngôi sao nhạc rock khi đến Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải có thể sẽ thăm Mỹ trong năm nay, qua đó trở thành quan chức cao cấp nhất của Việt Nam công du tới Mỹ kể từ khi chiến tranh chấm dứt.

Dĩ nhiên bất đồng vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, "cuộc chiến" đang tập trung vào hiện tại chứ không phải là quá khứ. Người phát ngôn Việt Nam Lê Dũng nói rằng chiến tranh không còn là vật cản trong quan hệ hai nước: "Chiến tranh đã lùi xa 30 năm, đã đến lúc chúng ta mở ra một trang mới trong quan hệ Việt - Mỹ".

Hơn 60% dân số Việt Nam hiện tại sinh sau chiến tranh và thế hệ trẻ hôm nay nhìn về nước Mỹ với một thái độ khoáng đạt. Hàng ngàn sinh viên Việt Nam đang học tại các đại học ở Mỹ và họ cũng không nặng nề về quá khứ. Nguyễn Thu Hà - một sinh viên 22 tuổi học ngành quan hệ quốc tế - nói: "Tất nhiên chúng tôi luôn nhớ rằng Mỹ từng tấn công Việt Nam nhưng chúng tôi không phán xét từ góc độ đó. Chiến tranh đã là quá khứ. Chúng tôi không quên quá khứ, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi đang hướng tới tương lai. Đó là điều mà chúng tôi được dạy ở trường".

Đỗ Hùng
(lược dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.