Qua mặt công an để hút trộm cát

02/05/2005 15:09 GMT+7

Giá cát xây dựng đang khan hiếm và tăng chóng mặt, từ 50.000 đồng/m3 lên 80.000 đồng rồi 100.000 đồng/m3. Tình trạng này thôi thúc những kẻ chuyên bơm hút cát trộm (cát tặc) hoạt động ngang nhiên hơn bao giờ hết.

Tại khu vực bến Sóc Tràm (xã An Phú, Củ Chi, TP HCM), đoạn sông dài chưa đầy 200 m, nhưng có đến 12 ghe lớn, nhỏ đang hì hục đặt máy bơm hút cát trái phép từ dưới sông Sài Gòn lên. Tiếng máy bơm cát gầm rú inh ỏi, những cột khói từ máy bơm cát bốc lên đen ngòm cả khúc sông.

Một người dân sống lâu năm ở đây bức xúc: “Bọn chúng chẳng coi ai ra gì. Bất kể ngày hay đêm, khi nước lên là bơm hút cát, gây ồn ào, làm chúng tôi nhiều đêm không chợp mắt được”. Tuyến đê bao, bảo vệ hoa màu của nông dân ở đây đang bị… bào mòn bởi những “cát tặc” này.

"Nếu tình trạng khai thác cát như thế còn tiếp diễn thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, hàng trăm hecta đất trồng lúa và hoa màu sẽ bị nhiễm mặn”, họ ước tính. Người dân địa phương nơi đây đã không ít lần yêu cầu chính quyền địa phương xử lý nghiêm. Nhưng chỉ được một vài ngày, đâu lại vào đó. Hiện, toàn bộ khúc sông Sài Gòn, đoạn từ bến Sóc Tràm đến ấp Xóm Chùa (xã An Phú, huyện Củ Chi) hầu như không ngày nào là không có ghe cát đến hút cát lậu.

Anh Nguyễn Danh Thuần (Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Khu Đường sông) cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép đã lan rộng đến các tuyến sông Đồng Nai, Cái Tắc, Xoài Rạp. Theo anh Thuần, điều này làm gia tắc nguy cơ gây sạt lở các tuyến đê bao đất vườn, ruộng của dân và mức độ nguy hiểm cho các phương tiện thủy khi đi qua các đoạn sông này.

Trạm trưởng Trạm 7 Phòng cảnh sát giao thông đườn thủy Công an TP HCM giải thích: “Do bị vây bắt nhiều lần nên bọn “cát tặc” có rất nhiều chiêu đối phó với ngành chức năng". Chúng còn trả lương thường xuyên cho một số đối tượng chỉ làm một việc duy nhất là ngồi canh trước các trạm. Thấy ngành chức năng có động tĩnh… tập hợp lực lượng là chúng báo ngay cho đồng bọn. Do vậy, khi đoàn kiểm tra đến nơi những kẻ hút trộm cát đã kịp cao chạy xa bay. Năm 2004-2005, toàn huyện Củ Chi chỉ bắt được khoảng 10 ghe. Một con số quá ít so với diễn biết thực tế.

Theo nhiều người dân sinh sống ven các sông thường bị khai thác cát lậu, việc bắt “cát tặc” không có hiệu quả cũng có một phần lỗi của ngành chức năng. Chẳng hạn, huyện Củ Chi thường tổ chức ra quân rất rầm rộ, huy động nhiều ban ngành, đoàn thể, nên bị đồng bọn của “cát tặc” phát hiện ra ngay.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.