Khi phân tích 248.000 tin nhắn ghi do SK Telecom và LG Telecom, cảnh sát đã phát hiện 550 tin nhắn bị nghi là lời giải cho các bài thi. Các gian lận đều được chuẩn bị và bố trí hết sức kĩ lưỡng, tinh vi theo các đường dây. Mặc dù đã có lệnh cấm sử dụng ĐTDĐ trong kì thi, nhưng các TS này vẫn bằng cách nào đó mang được điện thoại vào phòng thi. Họ gửi tin nhắn về đề bài thi ra ngoài. Bên ngoài các máy giải (là các SV xuất sắc) sẽ giải nhanh các câu hỏi này. Để tránh bị phát giác, câu trả lời sẽ không được gửi lại trực tiếp cho các TS mà được gửi cho một nhóm trợ thủ. Sau đó, nhóm này mới tiếp tục gửi tin nhắn cho các TS bên trong. Sau vụ việc ở Kwangju, cảnh sát đã phát hiện ra làn sóng gian lận bằng hình thức tin nhắn trong toàn quốc với rất nhiều đường dây. Điều đáng nói là, chính cha mẹ của các TS đã dàn xếp những gian lận này. Trước kì thi vài ngày họ đã mua cho con cái mình ĐTDĐ và đăng kí dưới những cái tên giả.
Bên cạnh đó, các trường hợp thi hộ cũng được phát hiện tại Seoul, tỉnh Kyonggi, Inchon và Kwangju. Kim, một SV 22 tuổi, học trường Y, thừa nhận đi thi hộ để đổi lấy tiền. Kim được Park (một TS) và mẹ cậu ta hứa trả 5-10 triệu won nếu thành công. Cậu là 1 trong 314 TS ở Seoul và rất nhiều tỉnh khác bị huỷ bỏ kết quả thi do gian lận. Báo chí Hàn Quốc coi đây là một trong những vụ scandal tồi tệ nhất đối với nền giáo dục.
Thủ phạm: Sức ép lớn
Trước làn sóng gian lận thi cử này, Bộ trưởng Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tuyên bố, tất cả các trường hợp gian lận trong thi cử vừa qua sẽ bị cấm không được tham dự lại kì thi này trong 3 năm tới. Trước đây những trường hợp gian lận bị phát hiện vẫn được phép thi lại ngay kì thi năm sau. Rất nhiều các trường ĐH Hàn Quốc sẽ từng bước áp dụng những biện pháp để ngăn cản tình trạng gian lận trong kì thi viết và vấn đáp ngay tháng giêng này. ĐH Sungkyunkwan và ĐH Kyung Hee sẽ bắt buộc tất cả các TS để ĐTDĐ tại khu vực quy định. Bên cạnh đó sẽ sử dụng máy dò kim loại để phát hiện TS mang điện thoại và các loại máy chuyên dụng khác vào phòng thi. Trường ĐH Kyung Hee còn dự kiến sẽ tách riêng pin ra khỏi các máy điện thoại của TS. Cùng với máy dò kim loại, ĐH Sungkyungwan sẽ dùng máy kĩ thuật số chụp ảnh tất cả các TS nằm trong diện tình nghi. Sau đó, sẽ đối chiếu lại với các ảnh lưu trong hồ sơ. Nếu không khớp, TS đó lập tức sẽ bị loại khỏi kì thi. Trường ĐH Quốc gia Seoul cũng sẽ tăng cường hệ thống giám sát. Mỗi phòng thi sẽ có 3 giám thị, nhưng không sử dụng các máy dò sóng hay dò kim loại vì e ngại tính hợp pháp của chúng. Bên cạnh đó, nếu SV nào mang điện thoại vào phòng thi bị phát hiện dù đã dùng hay chưa dùng đều bị coi là gian lận.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề không chỉ dừng ở việc đối phó. Tại Hàn Quốc, khoảng 80% các trường ĐH, CĐ là các trường tư thục. Theo Luật Giáo dục và sắc lệnh do Tổng thống ban hành thì tất cả các trường ĐH, CĐ, quốc lập cũng như dân lập đều thuộc sự quản lí của Bộ Giáo dục và Phát triển nhân lực. Các trường đều rất khắt khe trong việc lựa chọn đầu vào. Hằng năm, có rất nhiều các TS thi trượt ĐH. Điều này đã tạo một sức ép lớn bởi kì thi CSAT quyết định tới 60% kết quả xét tuyển (40% còn lại lấy từ kết quả học tập tại phổ thông). Theo Ha Byung-su, một cán bộ thuộc Hiệp hội Giáo viên và công chức giáo dục Hàn Quốc (KTU) thì những vụ gian lận thi cử là một hậu quả tất yếu của nền giáo dục. Từ tiểu học cho tới trung học, người ta chỉ quan tâm làm sao có thể giành kết quả cao nhất trong kì thi CSAT. Bernarrd Hugonnier, đại diện Văn phòng Giáo dục thuộc Tổ chức hợp tác Kinh tế và phát triển (OEDC) tại Hàn Quốc nhận xét rằng, học sinh Hàn Quốc không hạnh phúc bởi không có động lực mạnh mẽ để học ngoại trừ việc để vào được một trường ĐH uy tín.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ thực hiện những cải cách thi cử vào năm 2008 với hi vọng rằng sẽ giảm bớt sức ép của kì thi CSAT, xã hội hoá giáo dục. Trong đó, kết quả học tập phổ thông chiếm tỷ lệ cao hơn trong kết quả xét tuyển, đồng thời giảm tỷ lệ điểm của CSAT. Các trường ĐH cũng sẽ có quyền độc lập hơn trong khâu tuyển sinh. Tuy nhiên, mọi chuyện khá phức tạp. Thông báo này sau khi được đưa ra, đã vấp phải không ít ý kiến phản đối. Rất nhiều giáo viên, phụ huynh HS và dư luận đã chỉ ra trường hợp 3 trường ĐH hàng đầu ở Seoul là ĐH Hàn Quốc, ĐH Yonsei và ĐH Ewha chỉ thích tuyển HS ở khu vực giàu có thuộc nam Seoul. Nếu vậy, khi các trường này được tự chủ hơn trong tuyển sinh có thể sẽ dẫn đến những gian lận. Cha mẹ các TS có thể sẽ dùng tiền với bất cứ giá nào để con họ có một chỗ trong các trường ĐH tư.
(Theo Sinh viên Việt Nam)
Bình luận (0)