Quản lý dân cư bằng hộ khẩu không còn thích hợp

06/05/2005 23:00 GMT+7

Cả ngày hôm qua 6/5, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đặc biệt là những nội dung liên quan đến quyền nhân thân: quyền khai sinh, khai tử, kết hôn, ly hôn, quyền đi lại, cư trú, nơi cư trú, quyền đăng ký quyền sở hữu tài sản...

Quản lý bằng hộ khẩu đã rất lạc hậu

"Cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú", đó là sửa đổi rất quan trọng tại điều 48, dự thảo bộ luật. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) thì điều này khó lòng được tôn trọng vì cách thức quản lý bằng hộ khẩu như hiện nay. Bà nói: "Những quyền này muốn thực hiện được đều liên quan đến hộ khẩu. Nếu không có hộ khẩu ở nơi đang sinh sống, làm việc thì không thể thực hiện được các quyền đó. Ví dụ muốn đăng ký kết hôn lại phải về quê để lấy giấy xác nhận, muốn khai sinh cho con cũng vậy". Bà Thoa cho rằng, luật cho người ta quyền tự do cư trú nhưng chính quy định về hộ khẩu đang gây ra sự bất bình đẳng giữa những người có hộ khẩu và không có hộ khẩu, đặc biệt ở những thành phố lớn, khu công nghiệp. Mua nhà, đất, khai sinh, xin học cho con... không phải dễ dàng đối với những người cư trú không có hộ khẩu vì đi đến đâu cũng đòi phải có hộ khẩu. Theo bà Kim Thoa: "Nếu chúng ta khẳng định quyền tự do cư trú, tự do đi lại thì phải thay đổi cách quản lý con người bằng hộ khẩu. Chúng ta phải thừa nhận rằng việc quản lý hộ khẩu hiện nay là không còn thích hợp với sự phát triển của đất nước mặc dù đã rất có hiệu quả trong thời bao cấp, chiến tranh". Bà Thoa đề nghị: "Nếu người dân đã có chứng minh thư thì có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề liên quan đến quyền nhân thân ở bất kỳ đâu. Chúng ta làm luật là để làm thế nào giải quyết những bức xúc của dân, vì vậy trong luật này phải có một điều hoặc quy định nào đó về quyền tự do cư trú, về vấn đề hộ khẩu để tất cả các địa phương cùng áp dụng cho dân đỡ khổ".

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tỏ ý rất tâm đắc với ý kiến ĐB Thoa: "Theo tôi, chúng ta phải nghiên cứu để bỏ sổ hộ khẩu đi vì về mặt quản lý, hoàn toàn có thể quản lý được bằng chứng minh thư hoặc thẻ cư trú. Tôi biết rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng tình về quan điểm này và tôi rất hy vọng quy định này sẽ được bổ sung ngay vào dự thảo bộ luật lần này".

Mang thai hộ: Tại sao không?

"Tại khoản 4 và điều 32 của dự thảo bộ luật có ghi: việc mổ tử thi chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người quá cố. Quá khó hiểu và phi logic”. ĐB Lê Xuân Thân - Khánh Hòa

Mặc dù cùng là những vấn đề rất mới, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nhưng dự thảo bộ luật chỉ bổ sung "quyền xác định lại giới tính" mà không thừa nhận quyền mang thai hộ. Nguyên Bộ trưởng Y tế Đỗ Nguyên Phương cho rằng, dứt khoát phải có điều luật quy định về quyền mang thai hộ bởi vì đây là một thực tế không thể phủ nhận. Ông nói: "Vì một lý do nào đó người vợ không thể mang thai, có thể lấy tinh trùng của người chồng thụ tinh với trứng của người vợ và gửi vào tử cung của một người khác đồng ý mang thai hộ, như thế con theo ADN là con của đôi vợ chồng này. Như thế rất là nhân đạo". 

ĐB Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) cũng đồng quan điểm này. ĐB Đường nói: "Tôi hiểu là một số quyền nhân thân mới về mang thai hộ hay cho phôi... là do khoa học công nghệ tạo ra. Nhưng không phải nước nào có khoa học công nghệ phát triển họ đều đã quy định quyền này. Theo tôi ta chỉ nên quy định ở  một văn bản của Chính phủ để tập dượt vì hiện nay, với trình độ dân trí và khả năng của tòa án chắc chưa thể giải quyết được các tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các quyền này".

Hụi, họ, phải phân biệt với vay nặng lãi

Đồng ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung quy định về hụi, họ trong dự thảo luật nhưng đa số các ĐB không đồng ý "chỉ quy định có tính nguyên tắc chung". ĐB Sơn Thị Ánh Hồng (Trà Vinh) nói: "Tình trạng chơi hụi, họ đã và đang xảy ra trong thực tế rất phức tạp, có trường hợp là tương trợ nhưng có trường hợp chính là hình thức cho vay nặng lãi. Nhiều người chơi hụi lãi từ 30 - 50%, nó cũng khiến nhiều gia đình tan nát, con cái hư hỏng". "Để có cơ sở pháp lý ngăn chặn tình trạng chơi hụi, họ mang tính kinh doanh, lừa đảo cần phải có quy định rõ trong bộ luật để phân biệt hình thức chơi nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau, không nhằm mục đích trục lợi". ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) đề nghị cụ thể hơn: "Theo tôi, lãi suất hụi, họ không được cao hơn lãi suất cao nhất của ngân hàng thương mại".

Chưa công nhận thay đổi giới tính, nhưng không cấm

Về quyền thay đổi giới tính, dự án bộ luật trình ra QH lần này chỉ quy định: "Cá nhân có quyền xác định lại giới tính" trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà phải cần có sự can thiệp của y học. Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, nhiều ĐB QH cho rằng đây là một điều luật phù hợp với điều kiện hiện nay của VN nhưng trong tương lai sẽ phải thay đổi.

Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: "Quy định xác định giới tính là nửa vời, chưa triệt để"

QH kỳ này cũng đã có bước đi mạnh dạn là dám đặt vấn đề về quyền nhân thân về giới tính, nhưng theo tôi quy định về "xác định lại giới tính" như trong dự thảo luật là chưa rõ lắm và chưa triệt để. Thực ra là người ta đã có giới tính rồi, phải làm rõ giới tính chứ không phải là xác định lại. Theo tôi, đã cho thì cũng không nên hạn chế làm gì. Vì có những dị dạng cho nên phải thay đổi giới tính và cũng không phải ai cũng muốn làm việc đó. Đây là do sinh lý cá nhân của người ta như vậy, từ lúc cha sinh mẹ đẻ ra đã như vậy rồi. Vấn đề là phải có những quy định chặt chẽ thôi. Tôi cũng biết rằng, có rất nhiều người ra nước ngoài để phẫu thuật thay đổi giới tính nhưng đến khi về VN, họ sống rất khó khăn. Trước đây, khi trình dự thảo Bộ luật Dân sự ra Quốc hội vào năm 1995, tôi cũng đã nêu vấn đề về hôn nhân đồng tính. Một trong những chức năng của hôn nhân là duy trì nòi giống, lấy nhau mà không có con cái thì nòi giống cuối cùng ra thế nào?  Nhưng bây giờ tôi lại nghĩ, ta cứ bắt họ không được thế, nhưng người ta không phục vì đó là quyền con người của họ. Cho nên, bây giờ không nên hạn chế nữa, trên nguyên tắc là công dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Ở đây có vấn đề chúng ta chưa cho phép chứ chúng ta không cấm.

Ông Lê  Quang Bình - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội: "Nếu ai đó muốn thay đổi thì cứ thay đổi"

Ý kiến chung của nhiều ĐB cho rằng, trên thế giới thì vấn đề này khá phổ biến và người ta có nhiều quy định, nhưng riêng ở VN lại chưa xuất hiện nhiều, nếu có chỉ là cá biệt thôi. Hơn nữa truyền thống, văn hóa người VN chưa công nhận việc này, chưa thừa nhận nó phù hợp với văn hóa, điều kiện của VN. Do đó, dự thảo trình QH lần này không đưa vấn đề này ra nữa, mà quy định lại việc xác định lại giới tính do khuyết tật bẩm sinh. Còn việc thay đổi giới tính, tôi nghĩ, sau một thời gian nữa, xã hội chấp nhận và trên thực tế có nhiều thì lúc đấy sửa luật cũng không muộn. Đáng tiếc là cơ quan soạn thảo luật cũng chưa đưa ra được số liệu chính thức là hiện nay, trên thực tế ở VN đã có bao nhiêu người thay đổi giới tính, khoảng bao nhiêu người đồng tính. Tôi nghĩ là con số này cũng không nhiều lắm. Nhưng cũng lưu ý là ta chưa quy định nhưng cũng không cấm. Nếu ai đó muốn thay đổi thì cứ thay đổi. Theo tôi, điều đó cũng không vi phạm pháp luật.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Thế Vượng: "Khi cơ quan y tế xác nhận ai đã chuyển đổi giới tính thì các cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện cho họ"

Tôi biết rằng vừa qua, đã có rất nhiều vướng mắc cho các đối tượng đã đi phẫu thuật, nhờ y học để xác định lại giới tính do những khuyết tật bẩm sinh. Có người có thể gặp khó khăn trong việc đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, kết hôn với người khác... Nhưng quy định lần này, tôi nghĩ sẽ mở ra để giải quyết, tạo điều kiện cho họ. Những người này sẽ được cơ quan y tế xác nhận đã chuyển đổi giới tính và các cơ quan nhà nước sẽ phải tạo điều kiện, giải quyết cho họ như bất cứ một công dân bình thường nào. Tuy nhiên, với người đồng tính muốn chuyển đổi giới tính mà lại không hề có khuyết tật bẩm sinh thì lại là vấn đề khác. Tôi cũng hiểu là ở VN, hiện nay thay đổi thái độ về vấn đề này cũng còn rất khó và với trường hợp những người đồng tính thì điều luật trên cũng chưa giải quyết được.

Mạnh Quân
(thực hiện)

Tuyết Nhung - Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.