Bi kịch của Tám Bính và Năm Sài Gòn là xã hội đã dày xéo lên những nỗ lực sống lương thiện của họ. Một cô gái quê bị phụ tình, rồi bị đưa vào Sở cẩm, vào thanh lâu, cuối cùng trở thành vợ của trùm xã hội đen khét tiếng, và đứa con ruột lưu lạc bị chết trong chính tay mình. Màn nhung khép lại với cảnh nhà giam đóng chặt, như cánh cửa cuộc đời không lối thoát. Xã hội nửa thực dân - phong kiến đã được nhà văn Nguyên Hồng phản ánh bi thương, nhưng tính nhân văn của tác phẩm đã vượt cả thời gian và không gian.
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cho biết anh đã dựng vở này ở sân khấu phía Bắc, có hôm diễn đến 2 suất. Còn trong Nam, lại là một thể nghiệm mới. Tiết tấu nhanh hơn, chuyển cảnh, chuyển màn gọn nhẹ, các sự kiện dồn dập, kể cả pha một chút bắt mắt về trang phục, vũ đạo... Gần 40 diễn viên, trong đó rất nhiều "sao" như Bảo Quốc, Anh Vũ, Thanh Thúy, Hồng Vân... tập trung nghiêm túc, dù chỉ một vai nhỏ xíu. Đây thật sự là một nỗ lực không đơn giản giữa lúc mọi người lo chạy sô tới tấp. Và "bà bầu" Hồng Vân còn mời cả nhà thiết kế thời trang Đình Hải tạo thêm dấu ấn cho vở diễn.
Nhưng với cốt truyện quá nhiều tình tiết và sự kiện, thì thời lượng 2 tiếng rưỡi của sân khấu dường như không chuyển tải hết khiến người xem có cảm giác nhân vật Tám Bính (Cát Phượng đóng), và Năm Sài Gòn (Thái Hòa) còn vất vả chạy theo tình tiết mà ít đào sâu diễn xuất nội tâm để nâng cao hơn nữa bi kịch của thân phận con người. Rõ ràng Cát Phượng không chỉ có khả năng đóng vai hài hước thật duyên dáng mà còn vào những vai bi rất tốt. Thái Hòa ngoại hình và tính cách rất phù hợp với Năm Sài Gòn, nhưng hơi tiếc, có lẽ do kịch bản, mà nhân vật của anh còn hơi mỏng. Đạo diễn có thể mạnh tay cắt bớt những phần rườm rà của các nhân vật khác để đào sâu thêm hai nhân vật chính, vì Cát Phượng và Thái Hòa đủ sức thể hiện tốt hơn nữa vai diễn của họ. Thậm chí cắt luôn những màn quá "phô" như cảnh Tám Bính suýt bị hãm hiếp, có cần để cho gã đàn ông phải... kéo quần kéo áo như thế không?
Xem Cô gái ăn cắp: NSND Doãn Hoàng Giang chuyển thể và đạo diễn, phỏng theo tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng
Hoàng Kim
Bình luận (0)