Nói thách kiểu Trung Quốc

09/05/2005 21:51 GMT+7

Không phải gấp đôi hay gấp ba, trình độ nói thách của giới bán hàng Trung Quốc đã đạt đến mức thượng thừa.

Trước khi đến Trung Quốc, tôi được bạn bè từng du lịch ở đây về nhắc nhở:  "Khi đi mua sắm nhớ trả giá, coi chừng bị nói thách". Đến Bắc Kinh, anh bạn Lý Kình, phóng viên Tân Hoa xã, tình nguyện hướng dẫn chúng tôi tới trung tâm mua sắm 4 tầng lầu mang tên Hồng Kiều. Khách hàng phần đông là người nước ngoài, nhưng dân bán hàng tại đây đều không xài tiếng Anh nên người mua, kẻ bán giao dịch với nhau bằng tay và dùng máy tính.

 

Tôi nhìn qua quầy kính trưng bày ổ cứng di động, máy nghe nhạc MP3, máy ảnh kỹ thuật số, thấy giá cả không hề rẻ, thậm chí có loại còn đắt hơn ở TP.HCM. Vào cửa hàng quần áo mùa đông, tôi tìm mua một áo da nam, hỏi giá bao nhiêu, hai người bán hàng xí xô, xí xào rồi lấy máy tính bấm ra con số 1.200 tệ (tương đương 2,4 triệu đồng VN). Choáng váng, tôi bỏ đi. Lý Kình nói nhỏ: "Anh cứ mạnh dạn trả giá, từ thấp lên cao". Tôi lúng túng không biết trả giá thế nào, đành thử bấm số 300, họ lấy máy tính bấm lại thật nhanh 550, tôi bấm tiếp 350, người bán lắc đầu, tôi bấm 400, rồi 450, thấy không có tín hiệu, tôi bỏ đi. Lý Kình ghé tai tôi: "Nếu chịu giá, họ sẽ gọi anh lại". Y như rằng, họ chấp nhận bán chiếc áo 450 tệ (tương đương 900.000 đồng VN). Cầm áo trong tay, tôi chắc mẩm ít ra mình cũng bị hớ không dưới 100 tệ.

 

Từ kinh nghiệm này, mấy chị trong đoàn cũng đã mua được những chiếc áo da nữ với giá 125 tệ, so với giá ban đầu được "hét" tới 700 tệ! Tới dãy hàng bán giày thể thao, đôi giày Nike có mác sản xuất Hàn Quốc mà cô gái bán hàng cho biết có giá 550 tệ rồi dùng bút gạch xuống còn 450 tệ, ý như đã hạ giá rồi. Tôi từ chối mua, cô ta bấm tiếp các con số 220, 180, 100, quan sát thái độ thờ ơ của tôi, cô ta đành hạ xuống 70 tệ. Tôi phân vân và không dám mua nữa vì nghi hàng dỏm.

 

Có tiền chưa chắc đã mua được hàng. Tiền mà chúng tôi mang theo là USD, còn nhân dân tệ thì trong đoàn ai nấy đã xài gần hết. Cứ đinh ninh là tại các khách sạn, siêu thị lớn, việc thanh toán bằng USD dễ dàng, nhưng chúng tôi đã một phen ngỡ ngàng khi bị từ chối. Việc đổi tiền cũng không đơn giản, khách thuê phòng nghỉ chỉ đổi được 100 USD/ngày tại khách sạn, khách phải xuất trình hộ chiếu và làm tờ khai vắn tắt. Buổi tối cuối cùng ở Quảng Châu, tôi cùng bốn thành viên trong đoàn đi bộ ra khu thương mại. Lựa hàng chán chê, đến khi tính tiền, người bán hàng không nhận USD. Bước vào một nhà hàng hải sản lớn, chúng tôi hỏi có thanh toán bằng visa card không, sau một hồi họ đồng ý nhưng lại không chịu đổi tiền cho chúng tôi.

 

Nhớ lại ngày đầu tiên sang Bắc Kinh, đoàn chúng tôi gồm 9 người, gọi taxi đi mua sắm. Tài xế chỉ đồng ý mỗi xe chở đúng 3 người và dứt khoát không chở dư người dù chúng tôi có trả thêm. Lái xe taxi cũng chỉ nói tiếng Hoa nên việc giao dịch gặp khó khăn, chúng tôi phải đưa địa chỉ cần đến bằng tiếng Hoa và khi trở về khách sạn phải đưa cho tài xế taxi số điện thoại của người bạn ở Bắc Kinh để hướng dẫn, chứ bản thân họ cũng chẳng rành đường và không nhiệt tình tìm giúp khách như ở TP Hồ Chí Minh. Trong suốt hành trình đi từ Bắc Kinh sang Thượng Hải và đến Quảng Châu, mỗi lần ra đường phố mà không có phiên dịch tiếng Hoa đi cùng chúng tôi rất ngại, vốn tiếng Anh của chúng tôi cũng chẳng ích gì vì số đông người Trung Quốc không dùng tiếng Anh. Cửa hàng, siêu thị, đường phố, địa danh phần lớn đều ghi tiếng Hoa. Chắc rằng những người làm du lịch Trung Quốc biết rõ điều này, nhưng họ không có ý định thay đổi. Phải chăng dân Trung Quốc luôn tự hào là một đất nước rộng lớn, có tiềm lực kinh tế hùng cường và đang phát triển, do vậy quan điểm dùng tiếng dân tộc và đồng nhân dân tệ đã trở nên quen thuộc mà không cần thay đổi?

Đức Liên

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.