Lớp học đặc biệt dưới triền đồi

09/05/2005 21:44 GMT+7

Nói đặc biệt vì cả học viên lẫn giảng viên đều là những người khiếm thị. Ngôi nhà gỗ nhỏ nằm dưới triền đồi, đầu đường Sương Nguyệt Anh (Đà Lạt) là lớp học đồng thời cũng là nơi ăn ở của trên 30 con người...

Các học viên được chia làm 3 lớp để học tập, một lớp "xóa mù chữ" dành cho những người lần đầu học chữ, một lớp học chữ nổi Braille và lớp học vi tính. Họ chăm chú nghe thầy cô giáo giảng bài và thực hành ngay trên bàn chữ nổi. Ông Vũ Xuân Trường - Phó chủ tịch Hội Người mù Lâm Đồng - người trực tiếp phụ trách lớp học cho biết: "Cơ sở đào tạo và phục hồi chức năng đã hoạt động được tròn một năm, học viên của trung tâm từ 9 - 52 tuổi đến từ nhiều huyện trong tỉnh. Để trung tâm có thể hoạt động, chúng tôi phải vận động các mạnh thường quân giúp đỡ nơi ăn chốn ở, dụng cụ học tập, gạo thóc, mắm muối...". Hơn 30 con người chen chúc trong một ngôi nhà gỗ do bà Trần Thị Ngọc Anh (chủ cửa hàng điện tử Ngọc Anh) cho mượn. Họ chung sống, học tập, làm việc như một gia đình. Đến nay, 18 học viên đầu tiên đã đọc và viết được chữ nổi khá thông thạo. Năm qua, hội đã cử 3 em ra Hà Nội theo học khóa đào tạo định hướng di chuyển và giáo viên chữ nổi Braille để về làm giảng viên cho trung tâm. Bên cạnh việc học chữ, Hội Người mù tỉnh đang đào tạo nghề cho hội viên như làm chổi đót, tăm tre, trồng nấm, xông hơi xoa bóp... nhưng cái khó là không có kinh phí để mua thiết bị, nguyên liệu và trả lương. Ông Trương Thành Tích - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng tâm sự: "Khai sinh ra trung tâm đã khó, bây giờ duy trì hoạt động của trung tâm càng khó hơn. Mỗi tháng chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi vận động cho được 450 kg gạo và 3,6 triệu đồng để giúp 30 con người có cái ăn, cái mặc và học tập".

Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có gần 3.000 người khiếm thị, nhu cầu học tập và đào tạo nghề đối với họ là rất cấp thiết nhưng số người được đến lớp học chữ, được dạy nghề còn quá ít. Ông Vũ Xuân Trường cho hay: Hội đang đề nghị tỉnh Lâm Đồng cấp đất và vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức tài trợ để xây dựng cơ sở nuôi dưỡng - giáo dục - hướng nghiệp cho người khiếm thị. Sau khi anh Nguyễn Công Khế - Phó chủ tịch Hội LHTNVN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cùng các nghệ sĩ đến thăm và tặng quà cho lớp học, anh chị em học viên rất phấn khởi và mong muốn Báo Thanh Niên tiếp tục làm cầu nối giúp hội có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.