Phản ứng của các nhà giáo

13/05/2005 23:54 GMT+7

Hôm qua, tại kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã có cuộc bàn thảo sôi nổi xung quanh dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên, dư luận xã hội còn không ít ý kiến chưa đồng thuận với việc Quốc hội thông qua dự án trong kỳ họp lần này.

Đáng lưu tâm nhất là kiến nghị của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (HKHKTVN). Trước khi Quốc hội bàn thảo về dự thảo này, liên hiệp hội đã gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bản kiến nghị trong đó nhấn mạnh: Đề nghị Quốc hội cân nhắc thật kỹ càng việc thông qua Luật Giáo dục sửa đổi trong khóa họp lần này vì còn nhiều vấn đề nổi cộm chưa được làm rõ, hoặc chưa kịp giải quyết thỏa đáng; đặc biệt cần nghiên cứu những quan điểm đổi mới triệt để đáp ứng đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, của thời đại chứ không thể dừng ở một số cải cách cụ thể rời rạc.

 

Được biết, trước đó, Liên hiệp Các HKHKT VN đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của đông đảo các nhà giáo dục, nhà khoa học đầu ngành trên toàn quốc. Tuy nhiên những góp ý này đã không được xem xét một cách nghiêm túc để sửa đổi.

 

Cùng với sự phản ứng này, một số nhà giáo có tâm huyết cũng đã lên tiếng. Giáo sư Phạm Phụ đã có bản kiến nghị gửi Quốc hội xem xét lùi việc thông qua luật này vì dự thảo Luật Giáo dục hiện nay chỉ mang tính chắp vá rời rạc và đặc biệt là không đáp ứng được sự đổi mới của một nền giáo dục hiện đại trong thời kỳ hội nhập. Ông cho biết trước đó ông đã có 4 lần góp ý với Ban soạn thảo và tham gia sửa chữa rất chi tiết nhiều điều luật của dự thảo nhưng họ chỉ tiếp thu nửa vời. Đáng để ý là cái gì dễ hiểu thì tiếp thu còn điều gì hơi trừu tượng thì bị "vứt" đi.

 

Một chuyên gia giáo dục của Bộ GD-ĐT đã tham gia góp ý, sửa dự thảo nhiều lần cũng cho biết như vậy. Và có một hiện tượng rất "kỳ lạ" là họ cứ để cho góp ý thoải mái nhưng chỉ để... ngoài dự thảo và làm cho những người góp ý cảm thấy chán thì thôi. Chuyên gia này cho biết Ban soạn thảo lần nào cũng đưa ra lấy ý kiến của đơn vị chức năng. Ông cũng đã sửa tỉ mỉ và chi tiết từng điều luật sao cho phù hợp nhất với lĩnh vực mà ông phụ trách nhưng Ban soạn thảo vẫn không chịu sửa. Ví dụ đề án đổi mới giáo dục đại học Việt Nam mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng phân chia hệ đại học ra hai hướng là hướng nghiên cứu phát triển và hướng thực hành - ứng dụng (nghề nghiệp). Nghĩa là trong hệ thống giáo dục quốc dân cần phải có đào tạo nghề trình độ đại học hay gọi là đại học công nghệ. Nội dung này đã được ông góp ý nhiều lần nhưng Ban soạn thảo vẫn không chịu phân chia hệ thống giáo dục quốc dân như đề nghị của đơn vị ông.

 

Góp ý đi, góp ý lại nhưng dự thảo lần sau vẫn gần như y nguyên lần trước đến nỗi vị chuyên gia này phát chán và phải bất đắc dĩ ghi vào bản lấy ý kiến góp ý là "giữ nguyên ý kiến như dự thảo lần trước". Giáo sư Phạm Phụ cho biết, rất nhiều đồng nghiệp cũng nói với ông rằng họ đã chán góp ý vì không được xem xét. Ông đã bày tỏ nỗi bức xúc này trong một bức thư gửi những người có trách nhiệm rằng: Luật Giáo dục sửa đổi chưa có sự đồng thuận của xã hội, gây ra tâm lý đứng ngoài cuộc mà điều này là mối đe dọa sự đổi mới vì đổi mới là sự nghiệp của toàn dân.

 

Tại sao như vậy, tìm hiểu nguyên nhân chúng tôi được biết Ban soạn thảo Luật Giáo dục chỉ gồm một số chuyên gia của Bộ GD-ĐT mà theo đánh giá của nhiều nhà giáo dục thì với một Ban soạn thảo như vậy chưa thể đủ tầm để soạn thảo luật. Phải chăng chỉ vì như vậy mà rất nhiều ý kiến mang tầm cỡ "lớn hơn" đã bị bỏ qua ? 

 

Vũ Thơ

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.