Cô học sinh gọi là "giỏi" của lớp 11 Trường PTTH Việt Đức (Hà Nội) đã mở đầu bài văn "gây chấn động" của mình như thế. Đúng là "chấn động" thật, bởi một điều đơn giản, có lẽ trước nay không chỉ có một mình cô học sinh này có ý nghĩ như vậy khi làm một bài luận văn, dù là trong kỳ thi học sinh giỏi hay không, nhưng chưa ai dám viết ra thẳng thừng như thế ngay trong bài thi của mình. Viết như thế, là đã chấp nhận không có điểm, hoặc điểm cực thấp, không xứng với một "học sinh giỏi". Mà thông thường, ai đi thi cũng cần điểm, điểm cao, cần đỗ đạt. Cô học sinh này không cần điểm cao, không cần đỗ đạt, cô chỉ cần nói lên một sự thật. Nhưng đó là sự thật gì ? Sự thật là, dù là học sinh giỏi văn, dù đã học đến lớp 11, cô cũng không biết, hoặc không cần biết, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay và đẹp ở chỗ nào. Và theo cô, 9/10 học sinh giỏi như cô cũng "đồng ý với cô" như cách người ta công bố trên chương trình truyền hình "Ai là triệu phú". Ở đây, trước hết phải cám ơn cô học sinh này, người đã dám nói thật những gì có thể mình nghĩ và mình hiểu, trong một khuôn khổ giáo dục mà người ta cố gắng cho học sinh càng ít nói những suy nghĩ thực của mình bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Nhưng nói thật nhiều khi không đồng nghĩa với nói đúng, hoặc chỉ nói đúng cái điều mà mình nghĩ. Mà phải nói thật, cô "học sinh giỏi" này đã quá vô cảm trước một tác phẩm xứng đáng được coi là một kiệt tác trong văn chương Việt Nam. Chúng ta không thể vì những thiếu sót, bất cập, thậm chí ngô nghê trong cách ra đề thi, hay những thiếu hụt và cứng nhắc rõ ràng trong sách giáo khoa để dồn hết, đổ hết sang tác phẩm, những tác phẩm trong chương trình sách giáo khoa. Phải nói ngay rằng, sách giáo khoa không phải là nơi cuối cùng và duy nhất đánh giá giá trị văn học của tác phẩm được chọn. Không phải tất cả các tác phẩm (hoặc trích đoạn tác phẩm) được đưa vào sách giáo khoa đều là những kiệt tác, thậm chí có những bài văn hay thơ chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình về tiêu chí văn học. Nhưng rõ ràng, có những tác phẩm đưa vào đó là những kiệt tác, trong đó cóá Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Vấn đề của sách giáo khoa, của giáo viên và học sinh là phải phân biệt được đâu là những kiệt tác, đâu là những bài thơ bài văn thường vẫn hiện diện trong sách giáo khoa. Người ta đã nói rất nhiều về Nguyễn Đình Chiểu và về những tác phẩm của Ông. Nhưng ít khi người ta cho học sinh được thực sự cảm thụ cái không khí kỳ lạ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một tác phẩm xuất thần nói lên tất cả những bi thương và hùng khí của "những dân ấp dân lân", nói tắt là của những người ở "dưới đáy" khi họ vụt đứng lên vì nghĩa lớn, khi họ thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất quyền làm người, không chịu mất dù là một tấc đất của cha ông và của chính họ đã bằng máu và mồ hôi tạo dựng nên. Khi người ta biết giáo dục cho học sinh lòng yêu nước chân chính chứ không phải những ngôn từ sáo rỗng, thì không lý do gì một học sinh (nhất là một học sinh giỏi, lớp 11) lại không thể cảm nhận được, không hề xúc động trước những câu thơ có thể khiến người đọc nổi gai ốc, khiến trào nước mắt, mà không cần bất cứ một lời thêm thắt giảng giải nào khi đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Những tác phẩm cổ điển vẫn có cách để hiện diện ngay trong thời hiện đại, vấn đề là phải có tấm lòng để biết cảm nhận nó, thấu suốt nó, đồng cảm với nó. Bởi nó chứa phần "người" căn bản, phần "văn" căn bản, cái mà ta vẫn gọi là "nhân văn". Bài văn của em học sinh giỏi lớp 11 và tất cả những ý kiến vội vã tán đồng, vội vã ủng hộ của nhiều người, trong đó có không ít giáo sư đang dạy văn, khiến người ta phải kinh hoàng khi nghĩ về cách dạy và học văn trong nhà trường của chúng ta.
Trên ý nghĩa đó, tôi xin cho điểm 20/20 cho bài văn xứng đáng nhận giải "Mâm xôi" về bình luận văn học kia.
Thanh Thảo
Bình luận (0)