Đề nghị tăng chế tài đối với người trốn nghĩa vụ quân sự

18/05/2005 00:16 GMT+7

Hôm qua 17/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Đa số ý kiến đồng tình với Ban soạn thảo rút ngắn tuổi gọi nhập ngũ (18 đến 25 tuổi), cá biệt có đại biểu (ông Nguyễn Đức Dũng - Kon Tum) đề nghị hạ tuổi gọi nhập ngũ xuống còn 24. Bởi vì trong thực tế, theo ông Dũng số lượng gọi nhập ngũ ở độ tuổi 25-27 hiện nay chỉ chiếm chưa đến 1%.

Ông Dũng cho rằng, nếu trong trường hợp quân đội cần tuyển người có chuyên môn, tốt nghiệp cao đẳng, đại học (25 tuổi trở lên) thì có thể có quy định riêng không hạn chế về tuổi đối với những đối tượng này.

Trong khi đó rất nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại khi rút ngắn thời gian phục vụ trong quân ngũ của binh sĩ (xuống 18 tháng), hạ sĩ quan chỉ huy và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật (xuống còn 2 năm) có thể ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện cũng như khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Mặc dù không nằm trong nội dung sửa đổi nhưng đại biểu Mạc Kim Tôn (Thái Bình) đề nghị cần phải đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn để đảm bảo việc chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự. Ông này nói: "Nếu không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ cũng chỉ bị phạt 500 nghìn đến 1 triệu đồng nên hiện nay có rất nhiều gia đình (thậm chí là giấu cả người được gọi nhập ngũ) chấp nhận bị xử lý để không cho con nhập ngũ". Ông Tôn đề nghị để đảm bảo công bằng giữa những người trốn nghĩa vụ quân sự và


ĐB Lê Hữu Sinh (Thanh Hóa) đóng góp ý kiến

những người chấp hành lệnh nhập ngũ cần đưa ra quy định ngoài bị xử lý như trong luật, còn phải đóng góp một khoản nào đó cho địa phương để bổ sung vào nguồn kinh phí đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. Đại biểu Nguyễn Xuân Khởi (Bắc Giang) đồng ý với đề xuất này vì cho rằng quy định 1,7 triệu đồng/suất học nghề không đủ để đào tạo được một nghề cho quân nhân xuất ngũ. Cũng theo ông Khởi thì quy định quân nhân đào ngũ chỉ bị phạt tối đa đến 1 triệu đồng là quá thấp.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội các dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật Du lịch. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản để nhằm khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản lộn xộn, bừa bãi, trái phép phổ biến hiện nay. Với lý do bảo đảm an toàn cho khách du lịch không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước như dự thảo Luật Du lịch đề cập mà là của toàn xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong báo cáo thẩm tra luật này đề nghị phải bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư trong việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch: việc phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh cho khách...

* Sáng nay, các đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu tài liệu, tại Hội trường Ba Đình lịch sử sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều Quốc hội  tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Hải quan.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.