Mỹ phiền lòng về Uzbekistan

17/05/2005 23:39 GMT+7

Không báo trước một cuộc chính biến, nhưng làn sóng bạo lực lan rộng tại Uzbekistan đã khiến người Mỹ rất phiền lòng.

Báo chí quốc tế cho biết hơn 700 người đã thiệt mạng tại đất nước Trung Á trong các cuộc bạo động kéo dài từ giữa tuần trước; trong khi đó, nguồn tin chính phủ khẳng định số người chết là 169. Đến ngày 17/5, làn sóng bạo lực lan ra thêm ít nhất 3 thành phố nữa. Quân đội và lực lượng đặc biệt đã có mặt khắp nơi để kiểm soát tình hình. Chính phủ Uzbekistan tố cáo các nhóm Hồi giáo cực đoan châm ngòi cho bạo động. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cảnh báo tình hình bất ổn hiện tại có thể dẫn đến một cuộc đảo chính đẫm máu tương tự những gì mà quân Hồi giáo cực đoan Taliban đã tiến hành tại Afghanistan 9 năm về trước. Lời cảnh báo của người Nga là có cơ sở. Miền Đông Uzbekistan nằm tách biệt với các vùng còn lại của đất nước bởi những rặng núi cao ngất trời. Tại khu vực hẻo lánh này, tinh thần Hồi giáo cực đoan luôn bao trùm. Vụ bạo loạn giữa tuần trước chỉ là hệ quả của những xung đột âm ỉ trong nhiều năm qua.

Không khí nóng bỏng tại cao nguyên Trung Á rốt cuộc cũng đã phả tới nước Mỹ. Trong phát biểu hôm 16/5, Ngoại trưởng Mỹ C.Rice lên tiếng: "Chúng tôi luôn kêu gọi chính quyền ông Karimov (Tổng thống Uzbekistan) tiến hành cải tổ chính trị. Cần có một áp lực nào đó đối với đất nước này để mở chiếc van cho một bộ máy điều hành cởi mở hơn". Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh J.Straw cũng đã đến Washington vào ngày 17/5 để bàn về vấn đề Uzbekistan. Phản ứng sốt sắng của người Mỹ là điều dễ hiểu. Khác với những quốc gia tách ra từ Liên bang Xô Viết như Grudia, Ukraine và Kyrgyzstan, Uzbekistan là đồng minh của Mỹ trong hơn 10 năm qua. Việc có một người bạn ở ngay bên hông nước Nga tạo cho Mỹ một lợi thế nhất định trong kế hoạch bành trướng sức mạnh toàn cầu. Thế nhưng, những diễn biến gần đây đã đe dọa tới tính mạng của người bạn thân đó. Làn sóng xung đột tại Uzbekistan có thể kết thúc bằng một cuộc chính biến không có lợi cho người Mỹ.

Những sự kiện được giới truyền thông phương Tây gọi là "cách mạng" tại Grudia, Ukraine và Kyrgyzstan gần đây đều dẫn tới kết quả là những chính phủ thân Mỹ được lập nên, nhưng những gì xảy ra tại Uzbekistan khó đi theo đường hướng đó. Cầm đầu phe nổi loạn tại Uzbekistan là các nhóm Hồi giáo cực đoan chứ không phải những đảng phái chính trị thân Mỹ. Nếu chính biến xảy ra, Mỹ sẽ mất đi một người bạn thân. Tệ hơn, họ có thể sẽ phải đối đầu với một kẻ thù mới, có hình hài tương tự chế độ Taliban tàn bạo tại Afghanistan trước đây. Đó là nguy cơ thực sự to lớn. Thế nên, tình hình bất ổn tại Uzbekistan đã khiến người Mỹ cảm thấy bất an vô cùng. Mặt khác, dù rất thân Mỹ nhưng cách điều hành đất nước của chính quyền ông Karimov trong 10 năm qua chẳng hề làm người Mỹ hài lòng. Phát biểu của bà Rice cho thấy Washington muốn có một sự đổi mới trong bộ máy quyền lực Tashkent. Tuy nhiên, một cuộc cải cách nếu xảy ra thì nên vào lúc khác chứ không phải trong thời điểm bất lợi này.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.