Thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Dược và Luật Đường sắt

19/05/2005 23:36 GMT+7

Hôm 19/5, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Dược và Luật Đường sắt với tỷ lệ phiếu thuận cao.

Sử dụng hình ảnh vì lợi ích công cộng không phải xin phép

Có 10 vấn đề còn ý kiến khác nhau của Bộ luật Dân sự đã được tách riêng để xin ý kiến Quốc hội trước khi thông qua toàn văn bộ luật, chủ yếu là các quyền về nhân thân: quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền hiến xác, quyền xác định lại giới tính...

Trong các phiên thảo luận về Bộ luật Dân sự trước đây, đa số các đại biểu đã không đồng ý quy định của dự thảo bộ luật: cần phải có sự đồng ý của thân nhân người chết về việc hiến xác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin rút lại quy định này trên tinh thần hiến xác là quyền nhân thân của con người trước khi chết nên cần được tôn trọng. Trình tự, thủ tục cụ thể của việc hiến xác được thực hiện theo quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng hình ảnh cá nhân là vấn đề rất phức tạp, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật riêng quy định chi tiết. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng thì không phải xin phép, đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Quốc hội đã thông qua toàn văn Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 75,51% số phiếu thuận. Đối với Bộ luật Dân sự, lần đầu tiên, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thi hành đồng thời với việc thông qua bộ luật, theo đó bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Đối với những giao dịch dân sự được xác lập trước ngày bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995.

Nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối phải "kê khai" giá thuốc

Cũng với số phiếu thuận đạt 75,51%, Quốc hội đã thông qua Luật Dược với những chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược như ưu tiên phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, ưu tiên phát triển công nghiệp dược; đảm bảo phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc; bảo đảm đủ thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định cụ thể cơ quan quản lý giá thuốc là Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng đối với vấn đề kê khai giá thuốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn bảo lưu quan điểm các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối thuốc tự kê khai giá thuốc và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá kê khai mà không phải là "đăng ký" như đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng ý kiến đại biểu đề nghị nên quy định rõ khi thay đổi giá thuốc ở mức 1%, 5% hoặc 10% mới phải kê khai lại là xác đáng. Vấn đề này Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể khi hướng dẫn thi hành luật.

Cùng ngày, 72,87% số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Đường sắt.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.