Ảnh báo chí: Mỗi khuôn hình là một lát cắt cuộc đời

21/05/2005 11:06 GMT+7

Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương (IMMF) và Thông tấn xã Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội một lớp học ảnh báo chí cho 30 phóng viên ảnh trong cả nước. Đây là cơ hội để các phóng viên ảnh trong và ngoài nước chia sẻ chuyện nghề nghiệp, những góc nhìn, những mảnh đời lưu giữ trong từng khoảnh khắc bấm máy...

Từ chuyện của Út...

Tham gia giảng dạy có nhà nhiếp ảnh Mỹ gốc Việt: Nick Út. Tên thật là Huỳnh Công Út, Nick làm việc cho hãng tin Mỹ AP từ năm 16 tuổi (1966). Ngày 8/6/1972, sau khi chụp ảnh cuộc càn quét của lính miền Nam Việt Nam tại một làng quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh, Nick sắp trở về Sài Gòn. Bỗng mấy chiếc máy bay lao tới và ném xuống bốn trái bom napal. Lửa bùng lên sau một nhà thờ Cao Đài, từ đó chạy ra một đoàn người: một bà già bế đứa cháu đã chết cháy, mấy em nhỏ bị bỏng loang lổ, trong đó có cô bé Nguyễn Thị Kim Phúc trần truồng, da lột ra từng mảng. Chiếc máy ảnh Leica M4 của Út bấm liên tiếp, và hôm sau, các tờ báo lớn đều đăng tấm ảnh sau này trở thành một trong những tác


Dharapak (thứ hai, từ phải sang) trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh (ảnh: L.Q.P)

phẩm kinh điển về ảnh báo chí: Trên đường, những đứa trẻ bị bỏng đang gào khóc, phía sau, một đám lính cầm súng lạnh lùng vô cảm, sau nữa, một làng quê chìm trong lửa khói. Bức ảnh đã gây xôn xao toàn thế giới. Tim Page, cựu phóng viên chiến trường người Anh, người sáng lập IMMF, tác giả bộ sách ảnh Hồi niệm nổi tiếng, nói: "Những bức ảnh chiến tranh, dù chụp từ phía nào đi nữa, cuối cùng đều phản đối chiến tranh!".

Bức ảnh sau đó được giải thưởng Ảnh báo chí thế giới và Pulitzer, giải thưởng báo chí danh giá nhất thế giới. Nick Út nay chuyển sang các vấn đề liên quan đến luật pháp, thể thao. Thay vì sử dụng 5 chiếc máy như khi chụp Kim Phúc, Út dùng máy ảnh điều khiển từ xa chụp trái banh bay vào gôn, thuê trực thăng chụp trang trại của M. Jackson khi ngôi sao nhạc pop này bị kiện ra tòa. Nick ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam vẫn còn có những phóng viên như lão nhà báo Phan Sang chẳng hạn, về hưu mà vẫn chụp đá bóng bằng chiếc Canon FTb "since" 1970 đã quá tuổi hưu.

Làng ảnh Việt Nam cũng để lại những câu chuyện nghề thú vị: Chính trong cuốn Hồi niệm, nơi tập hợp ảnh của các phóng viên đã chết trong cuộc chiến tranh Đông Dương, có tấm ảnh của Thế Đính tự chụp bóng mình ở trang kết thúc. Khi sách công bố, có một ông Thế Đính (tất nhiên là còn sống) ở Hải Phòng nhận đó là ảnh của mình! Trình phim, kể lại nội dung ảnh, nhà nhiếp ảnh này được Tim Page đến chào hỏi và tặng 50 USD nhuận bút! Cũng từ những tấm ảnh chiến tranh, đã ra đời bao huyền thoại: Đoàn Công Tính, người nổi tiếng với Quảng Trị, Thành Cổ những năm 1972, càng nổi danh khi từ bức ảnh Nụ cười Thành Cổ của ông, đã tìm được người trong ảnh. Đi cùng Đoàn Công Tính một chuyến tới Quảng Ninh, người viết bài thấy ông "gặp nạn": chụp từ sáng tới trưa máy vẫn báo 36 kiểu, té ra phim lắp rồi nhưng chiếc máy Nikon F401 chưa chịu nhận!

Mỗi bức ảnh, một câu chuyện!

Charles Dharapak, phóng viên của AP mang đến những bức ảnh rất ấn tượng: bạo loạn ở Indonesia, cuộc chiến ở Iraq mà anh từng chụp trong quá khứ... Nay chụp các chính khách trong Nhà Trắng, phóng viên gốc Thái 34 tuổi này giới thiệu loạt ảnh các tư thế ông Bush bắt tay, vẫy tay, Bush hoảng hốt lúc trời mưa... Bush ngồi gác chân chữ ngũ, rồi Bush bị một con ong tấn công, cảnh con chó của ông này bước ra cửa chuyên cơ, đi sau nó mới là Tổng thống Mỹ. Là kết quả của sự tận tâm, ảnh của Dharapak luôn có sự phát

Steve Northup: “Hãy tìm những rung động của trái tim mà chụp, và cái nên tập trung nhất chính là những con người”.
hiện khoảnh khắc hay sự so sánh dí dỏm: Cạnh nhà nhiếp ảnh David Burnett đang loay hoay chiếc máy chụp phim cỡ lớn hiệu Speed Graphic niên đại 1940, là phóng viên Rick Bowmer lăm lăm chiếc máy ảnh kỹ thuật số Canon EOS 1D siêu hạng! Dharapak nói: "Trong một sự kiện tẻ nhạt, nhưng nếu kiên nhẫn thì vẫn có thể chụp được ảnh tốt!".

Giảng viên Chikako Yatabe người Nhật Bản đã có tới 25 năm biên tập ảnh cho AP khu vực châu Á. Bộ ảnh mà bà giới thiệu chính là của các phóng viên AP chụp cảnh sóng thần Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ: Tấm ảnh này, người chụp đứng trên chiếc xe của anh ta, bấm máy xong, sóng thần cuốn luôn xe đi, người rơi xuống nước. Máy ảnh hỏng, nhưng chiếc thẻ nhớ vẫn còn... Đến đây, người viết bài nhớ đến một chuyến đi Trường Sa năm 1996: Từ đảo Trường Sa Đông, các phóng viên phải lội ra tàu, qua một bãi san hô lởm chởm. Nhà báo Nguyễn Như Phong, nay là Phó tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân xung phong cõng hộ anh em một bao nilon đầy máy ảnh. Bì bõm lội, bỗng thân hình béo tốt của anh chìm nghỉm vào một hố san hô, chỉ còn chiếc bao nổi trên mặt nước. Mọi người bơi đến, kéo anh lên, Như Phong hình như đã no nước, tay vẫn nắm chặt miệng túi. "Tớ có thể uống nước biển, nhưng máy của các cậu thì chịu!" - anh nói.

Trong số các giáo viên, có một nữ nhiếp ảnh tự do người Đức. Nói "riêng" với các phóng viên nữ, bà này dặn: "Không được đeo đồ trang sức, đi giày cao gót, đừng ngại khi bị một cùi chỏ huých vào mặt, và cũng phải tập để nếu cần, có thể... huých lại một cùi chỏ! Nghề ảnh "có duyên" với chiến tranh, người chụp ảnh có khi phải trở thành người lính!".

Ảnh báo chí trong thời đại kỹ thuật số

Nhà tài trợ Canon cho lớp học mượn những thiết bị mà một số giảng viên cũng phải ghê người: Máy ảnh kỹ thuật số đời mới nhất EOS 1D mark II, EOS 1Ds mack II và rất nhiều ống kính. Giá của những thân máy (chưa kể ống kính) này là 5.000 và 8.000 USD ! "Nếu có được những chiếc máy chụp được 8 hình một giây, độ phân giải 8 hoặc 16 triệu pixel như vậy, nó sẽ cho những tấm ảnh có chất lượng hoàn hảo, trong những khoảnh khắc tuyệt vời". Nick Út nói. Ở Việt Nam, một số phóng viên thể thao đã được trang bị tốt như Dư Hải, Nguyễn Quang Minh... Tuy nhiên, các giảng viên không hiểu nổi họ sẽ... thu hồi vốn như thế nào nếu như mỗi bức ảnh được đăng báo thì nhuận bút cao lắm cũng chỉ được khoảng 5 USD!

Tuy nhiên, câu chuyện của M. Dharapak lại cho người nghe một triết lý khác, trong những năm làm việc ở Indonesia, do công nghệ máy ảnh số bấy giờ còn lạc hậu, anh chỉ dùng những chiếc máy ảnh số 2 hoặc 3 "chấm", hoặc những máy kỹ thuật số compact thô sơ. Tuy nhiên, giá trị thông tin, cách xử lý ánh sáng, bố cục trong từng khuôn hình của anh phải nói là hoàn hảo.

Ngắn gọn và trầm tĩnh hơn, nhà nhiếp ảnh tự do Steve Northup người Mỹ đưa ra mấy nguyên tắc: "Nếu sự kiện diễn ra lúc 2 giờ, hãy đến lúc 1 giờ và ở lại đến 3 giờ, hãy nghĩ trước khi bấm máy, đừng chụp bừa. Một tấm ảnh tốt cũng như một bản nhạc, có bắt đầu, có kết thúc!”. Để kết thúc bài này, chúng tôi giới thiệu một số hình ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Lưu (Hà Nội) đã chụp ở Para Games 2003.


Đôi bạn già đi xem Para Games ở SVĐ Quần Ngựa

Vận động viên ở Para Games 2003

Vận động viên ở Para Games 2003

PV VTV ở SEA Games

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.