Tháng 5/1976, ông Nguyễn Bá Diệp khi đó làm Trưởng phòng Vật tư (Công ty Thi công cơ giới Quảng Nam - Đà Nẵng) nhân chuyến công tác vào Nha Trang, phát hiện trong một cửa hàng bán phụ tùng ô tô trên Quốc lộ 1A do Dương Lao Tam làm chủ có bán một bộ sơmi piston xe ủi D7 với giá 4.000 đồng. Thấy bộ phụ tùng phù hợp với điều kiện của các loại xe chuyên dụng mà công ty mình đang quản lý, ông Diệp đồng ý mua và yêu cầu Dương Lao Tam mang hàng ra Đà Nẵng cho cơ quan mình xem. Theo lời kể của ông Diệp, trước đó công ty đã mua 2 bộ sơmi piston với giá 4.800 đồng và 5.200 đồng nên khi Dương Lao Tam đưa ra giá 4.000 đồng/cái sơmi piston còn tốt được văn phòng công ty, hội đồng kỹ thuật chấp nhận về mặt chất lượng nên đã đồng ý mua. Khoảng 10 ngày sau, Dương Lao Tam tiếp tục mang một bộ sơmi piston cùng chủng loại, chất lượng ra Đà Nẵng và bán cho công ty ông Diệp với giá 4.000 đồng. Được lãnh đạo công ty chấp thuận cho mua lần nữa, ông Nguyễn Bá Diệp cho anh em nghiệp vụ làm thủ tục và thanh toán tiền. Lần này khác với lần trước, do cơ quan thiếu tiền mặt (vì lúc này đang thi công nhiều công trình) nên phải thanh toán cho Dương Lao Tam làm nhiều đợt.
Thế nhưng không hiểu vì sao, ngày 7/11/1977, ông Nguyễn Bá Diệp bị các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bắt tạm giam với tội danh "lợi dụng chức quyền để tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa". Hơn 3 tháng sau, ngày 11/2/1978, Trưởng ty Xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng Lê Lập ký quyết định đình chỉ công tác để chờ xử lý đối với ông Diệp. Cũng theo lời ông, sau hai lần tạm hoãn phiên tòa vì nhiều lý do khác nhau, đến lần thứ ba (ông Diệp đã bị tạm giam 11 tháng) - ngày 22/9/1978, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mới mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Bá Diệp tội tham ô và tòa đã tuyên ông Diệp không phạm tội, tạm tha ngay tại phiên tòa. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lại tiếp tục kháng nghị lên trên.
Bản án của tòa phúc thẩm nói gì?
Ông Lê Văn Phong - nguyên Giám đốc Công ty Thi công cơ giới Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng: "Đồng chí Nguyễn Bá Diệp về công tác tại Công ty Thi công cơ giới ngày 15/3/1976, giữ chức Trưởng phòng Vật tư, là đối tượng Đảng do Đảng ủy Nhà máy Chế tạo bơm Hải Hưng giới thiệu. Đồng chí Diệp rất có năng lực về tổ chức và quản lý vật tư; đồng thời quản lý xe máy, là người có tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác, xông xáo, tận tụy, đã đóng góp rất nhiều cho công ty hoàn thành vượt mức năm 1976".
Ngày 1/6/1979, Hội đồng xử án Tòa án nhân dân phúc thẩm tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm hình sự do ông Nguyễn Trọng, thẩm phán TAND tối cao làm chủ tọa xét xử ông Nguyễn Bá Diệp về tội tham ô. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: "Xét theo hồ sơ thì hồi tháng 5/1976, Công ty Thi công cơ giới có nhập 2 bộ sơmi piston với nhận định của một số cán bộ có hiểu biết, có trách nhiệm thì giá mua 2 bộ sơmi piston 8.000 đồng là mua được, giá bình thường lúc bấy giờ". Hội đồng xét xử cũng cho rằng: "Xét như vậy thì chưa có căn cứ chắc chắn để nói là Nguyễn Bá Diệp có tham ô hay không, vì căn cứ chưa rõ, trước phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đại diện Viện Kiểm sát phúc thẩm thấy căn cứ để nói rằng Nguyễn Bá Diệp có tội hay không có tội tham ô cũng chưa rõ và đề nghị hủy án để giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại. Hội đồng xử án phúc thẩm cũng xét thấy căn cứ để quyết định Nguyễn Bá Diệp có tham ô hay không chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên cần hủy án sơ thẩm giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại nếu thiệt Nguyễn Bá Diệp có tội". Cuối cùng, chủ tọa phiên tòa quyết định: "Tuyên bố hủy án sơ thẩm số 85 ngày 22/9/1978 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, giao vụ án về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo trình tự sơ thẩm".
"Bao giờ tôi được minh oan?"
Thế rồi vụ án Nguyễn Bá Diệp tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa chìm dần trong im lặng. 28 năm kể từ ngày ông Diệp bị bắt, ông đã nhiều lần làm đơn kêu oan gửi khắp nơi nhưng vẫn không có cơ quan chức năng nào giải quyết vụ việc của ông. Từ đó, ông Diệp phải sống trong cảnh "người mang án nhưng không được xử". Ông kể: "Tôi đã kêu cứu khắp nơi từ trung ương đến địa phương. Thậm chí, quá bức xúc trước sự việc oan trái của mình, tôi đã cùng một số người khác chặn xe ông Hồ Nghinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ) để kêu oan"... Mãi đến ngày 13/4/2005, Thường trực Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng gửi công văn số 207/TT-HĐ cho Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng yêu cầu "Viện trưởng Viện KSND thành phố quan tâm xem xét và giải quyết theo thẩm quyền, trả lời cho ông Nguyễn Bá Diệp được rõ và báo cáo kết quả giải quyết cho Thường trực HĐND thành phố được biết".
Vì sao 28 năm qua, các cơ quan tố tụng ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và TP Đà Nẵng bây giờ chưa có quyết định đình chỉ vụ án theo luật định, để cho người cán bộ có nhiều cống hiến cho công ty như ông Nguyễn Bá Diệp phải mang tội "tham ô tài sản" suốt thời gian dài ? Rồi đến bao giờ Viện KSND TP Đà Nẵng mới giải quyết vụ việc theo thẩm quyền của mình?
Hữu Trà
Bình luận (0)