Tôi không nói được tiếng Việt nhưng cái đầu lưỡi và dạ dày tôi thì luôn rục rịch mỗi lần có người nhắc đến món ăn Việt. Bất cứ lúc nào, hễ nghe ai đó thì thầm "Phở, phở, phở..." là tôi biết ngay mình đang đụng tới món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam.
Nếu đọc cho chính xác thì món ăn này phải gọi là "fuh". Hiểu một cách đơn giản nhất thì phở là một tô hổ lốn gồm những sợi bánh, thịt bò và vô số rau băm nhỏ. Đơn sơ là vậy nhưng phở có thể là một trong những món ăn bổ dưỡng và ngon nhất mà bạn từng có cơ hội được thử qua trong đời. Món này tương truyền phát xuất từ Bắc Việt Nam vào thời Pháp thuộc, khi người ta thử kết hợp nước lèo nấu bằng xương bò với loại bánh phở địa phương. Khi phở vào Nam, nó trở nên đa màu, đa sắc và đa hương vị hơn; cũng chính từ đây, phở đã làm cuộc viễn chinh sang Mỹ. Ở đất nước xa xôi này, tiệm phở mà người Việt hay dùng chữ "houses" để diễn tả, trở nên nổi tiếng vì chất lượng nước lèo tuyệt vời của nó. Người Mỹ thường quen chọn món ăn theo "gu" của mình và họ đã bị phở chinh phục vì chất lượng hảo hạng của món ăn và phong cách phục vụ.
Riêng tôi, khi nghe người ta nhắc tới phở, trong đầu tôi lại nghĩ về 2 cái quán ăn quyến rũ, đó là Phở 79 và Phở Vân ở thành phố Denver này. Tại quán Phở 79, các tô phở được đánh từ số 1 đến 16, tùy theo phần "ruột" của nó, có thể là tái, chín, tái nạm và gầu, gân, sụn, bò viên và cả phở gà nữa... Phở 79 chỉ chuyên bán phở. Ở đây, phở được đựng trong 3 loại tô, nhỏ (4,50 USD), vừa (5,25 USD) và lớn (5,75 USD). Tôi chẳng phải là một anh chàng thấp bé nhẹ cân nhưng vẫn có thói quen chọn tô nhỏ. Lý do là tô lớn có lẽ đủ cho hai người ăn no kềnh bụng.
Bước vào quán Phở 79 vào một buổi chiều, tôi chọn tô số 6 với tái và thịt ức nấu chín. Để thay đổi một chút, tôi gọi thêm tô bò viên (trả thêm 1 USD). Loại tô này gồm các viên bò xắt nhỏ, có thể "cứu đói" cho một người mảnh mai. Điều đầu tiên tôi làm với tô phở không phải là ăn mà chìa mũi vào giữa làn hơi nghi ngút và hít một cái thật sâu. Chao, mùi thơm nhè nhẹ của thịt bò, mùi hành cay cay xông vào mũi, lan tỏa ra khắp cơ thể tôi. Không thể chần chừ nữa, tôi lấy cái muỗng lớn bằng sứ và bắt đầu húp miếng đầu tiên. Tôi khoan khoái cảm nhận vị béo ngọt của phở thấm vào đầu lưỡi, mùi vị của nước lèo, của hành, gia vị cứ đọng lại rất lâu. Tôi nhẹ nhàng cầm đũa lên (ở đây không thấy người ta dùng nĩa bao giờ!), gắp miếng bánh và thịt tái bỏ vào miệng, khẽ nhai. Để cho đủ vị, tôi lấy cái chén nhỏ, cho một ít tương đen, một ít tương ớt đỏ và đổ nước mắm vào rồi khuấy đều. Tôi chấm miếng tái vào cái hỗn hợp sền sệt đó rồi bỏ vào mồm. Chao ôi, cảm giác không thể tả được! Cuối cùng, tôi khuấy sâu xuống tô nước và bắt đầu tấn công vào những lát bánh, quyết không bỏ sót một miếng nào. Cơ quan vị giác của tôi cứ căng ra hết cỡ để đón nhận cảm giác diệu kỳ mà phở mang lại. Mải chăm chú vào tô phở, một chốc sau tôi mới có dịp ngẩng lên và phát hiện một ông khách Việt Nam kín đáo quan sát màn biểu diễn của tôi, ông ta khẽ mỉm cười, có vẻ như hơi chế giễu sự tham ăn của tôi. Không sao, tôi vẫn húp ừng ực, hít hà như chưa được ăn từ hàng chục năm nay. Với phở, tôi quên đi chuyện tự ái vặt. Giữa các lần húp, tôi tranh thủ quan sát đĩa rau xem sao. Đó là một đĩa rau đủ loại, rau thơm, rau húng, ngò gai, những cọng giá trắng phau, giòn rụm và còn có thêm vài lát chanh nữa. Tôi thường ăn phở với một ly cà phê đá bên cạnh, đúng cách của người Việt sành điệu đấy, mùa hè thì tôi uống dừa xiêm hoặc soda chanh, mỗi thứ giá 2,25 USD.
Phở 79 tuyệt vời nhưng thú thực thì tôi bén duyên với phở từ tiệm Phở Vân cơ. Ngày trước, tiệm này có tên là Quán mì Richard Lee. Đáng tiếc là anh chàng chủ quán Richard Lee với tài nghệ nấu nước lèo thiên hạ vô song đã sang tiệm này lại và đi đâu mất, một tổn thất lớn cho thành phố Denver. Người chủ sau vẫn kinh doanh phở nhưng đổi tên quán là Phở Vân. Tôi vẫn thường tới Phở Vân để ngóng tin thiên tài Richard, hy vọng ông ta còn ở đâu đó để truyền bá "phở đạo" của mình.
Đôi khi, giữa những lúc hì hục bên tô phở, tôi chợt ngừng lại và cảm thấy băn khoăn. Tôi không hiểu tại sao dân Việt, chỉ trong có một món, lại biết phóng tác ra được nhiều phiên bản, nhiều nhiệt độ, nhiều mùi thơm đến thế.
Chẳng thể tìm ra câu trả lời, tôi chỉ còn biết cách thả mình trôi theo cảm giác khoan khoái mà phở mang lại. Thành phố Denver quả thật diễm phúc, ngoài các tiệm Phở 79 và Phở Vân ra còn có rất nhiều quán phở và nhà hàng Việt Nam tuyệt vời khác nữa bởi người Việt tại đây rất nhiều. Hội Ngôn ngữ Anh - Mỹ Denver cho biết tiếng Việt ở đây rất phổ biến, chỉ sau tiếng Anh, Tây Ban Nha và Đức. Vì thế, phở vẫn không ngừng thăng hoa.
Nào, ai ăn phở không?
Đỗ Hùng (dịch)
(Theo Rocky Mountain News)
Bình luận (0)