Vai trò của vitamin D đối với trẻ sơ sinh

02/06/2005 11:20 GMT+7

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của xương. Nó tham gia vào quá trình hấp thu calci, phosphore ở ruột, điều hòa việc tổng hợp và bài tiết nội tiết tố phó giáp trạng (PTH), làm tăng hấp thu calci, phosphore ở thận. Trẻ em nếu không được cung cấp đủ vitamin D sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, do chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạng.

Tuy nhiên, thiếu vitamine D có thể phòng tránh và khắc phục được.

Phụ nữ mang thai có cần uống bổ sung vitamin D?

Người mẹ khi mang thai bị thiếu vitamin D sẽ ảnh hưởng đến con khi sinh ra, tức là bé sinh ra sẽ bị thiếu vitamin D như mẹ. Trẻ sinh non, sinh đa thai dễ thiếu vitamin D do chưa được mẹ cung cấp đủ nguồn dự trữ vitamin D và gan chưa trưởng thành.

Sữa và các sản phẩm của margarine có nhiều vitamin D. Nếu người mẹ không dùng các sản phẩm này, ít tiếp xúc trực tiếp với tia sáng mặt trời và không uống thêm vitamin D bổ sung, sẽ có nguy cơ thiếu vitamin D.

Làm sao biết trẻ bị thiếu vitamin D?

Bé sinh ra từ mẹ thiếu vitamin D cũng sẽ bị thiếu vitamin D. Sữa mẹ cũng như tất cả các loại sữa khác đều không cung cấp đủ nhu cầu vitamin D cho bé. Nếu bé không được bổ sung vitamin D và không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời buổi sớm thì sẽ dễ bị thiếu vitamine D, từ đó giảm hấp thu calci và thiếu calci, gây rất nhiều tác hại, trong đó nặng nhất là còi xương.

Triệu chứng cho biết trẻ thiếu vitamin D: Thần kinh bị kích thích (quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, nhất là trẻ dưới 3 tháng), hay đổ mồ hôi trộm cả lúc trời lạnh, co giật khi sốt cao, có thể có cơn khó thở với tiếng thở rít. Nặng hơn nữa, trẻ sẽ yếu cơ và có sự biến đổi ở xương đầu, lồng ngực, tay chân, cơ - dây chằng và cột sống.

Nên bổ sung vitamin D cho trẻ thế nào?

Cần bổ sung vitamin D với hàm lượng: 10mcg (hay 400UI)/ngày cho các bé sơ sinh bú mẹ, bổ sung cho tới khi trẻ có chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu vitamin D. Đối với các bé sơ sinh không thể tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mỗi ngày (ở xứ lạnh nhiều sương mù…), cần bổ sung vitamin D với lượng 800UI/ngày.

Nếu bé bú loại sữa đã có bổ sung vitamin D, thì không cần cho uống thêm vitamin D.

Nên cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong bao lâu?

Nguồn cung cấp vitamin D ở người chủ yếu là qua da, da giúp cung cấp 80-85% nhu cầu vitamin D. Dưới tác dụng của tia cực tím, chất 7-déhydrocholestérol ở tuyến bã và lớp Malpighi của biểu bì sẽ được chuyển thành vitamin D. Nếu được phơi nắng đầy đủ, sau 3 giờ, 1cm2 da có thể sản xuất ra 18UI vitamin D3.

Nên cho bé ở trần để da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời khoảng 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là từ 7-8 giờ sáng); Nên để bé ở nơi kín gió, tránh để bé bị lạnh. Không cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10-14h.

Vào mùa đông, ánh nắng mặt trời không đủ tia cực tím, vì vậy dù có cho bé tiếp xúc với ánh nắng cũng không tổng hợp đủ vitamin D.

Chế độ ăn giúp cung cấp vitamin D cho trẻ

Vitamin D3 có trong các nguồn thức ăn động vật như gan cá (đặc biệt là cá thu, cá ngừ). Thịt, lòng đỏ trứng, bơ, sữa chỉ có một ít vitamin D. Các loại nấm, men, rau quả có chứa ergostérol, dưới tác động của tia cực tím cũng chuyển thành vitamin D2 có tác dụng như vitamine D3. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo cũng giúp hấp thu tốt vitamin D.

(Theo SK&ĐS)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.