Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt?

04/06/2005 22:52 GMT+7

Xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc sang Mỹ tăng vọt và tình trạng sao chép lậu các sản phẩm của Mỹ tại quốc gia đông dân nhất hành tinh đang là đề tài thảo luận căng thẳng giữa hai cường quốc này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ C.Gutierrez đã có chuyến công du đầu tiên kéo dài 3 ngày đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức với nhiệm vụ hết sức nặng nề - giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Sau cuộc gặp 45 phút với ông Gutierrez hôm 4/6, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai đã đưa ra những tuyên bố khá tích cực khi cho rằng quan hệ thương mại song phương vốn không ngừng lớn mạnh trong vòng 1/4 thế kỷ qua sẽ giúp hai nước giải quyết các tranh chấp nảy sinh. Về phần mình, Bộ trưởng Gutierrez cho biết đã có một "cuộc gặp tốt đẹp" với vị đồng nhiệm Trung Quốc.

Trung Quốc hiện sử dụng 19 triệu lao động trong ngành dệt may và năm ngoái đã xuất một lượng hàng dệt may trị giá 10 tỉ USD sang Mỹ. Phía Mỹ dự báo con số này sẽ tăng lên trong năm nay.

Kể từ khi hệ thống quota quốc tế hết hạn hồi tháng 1 năm nay sau 30 năm tồn tại, hàng dệt may Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào Mỹ khiến chính quyền Mỹ, dưới áp lực của ngành dệt may trong nước vốn biết chắc rằng khó lòng địch lại hàng Trung Quốc, phải áp đặt hạn ngạch lên một số mặt hàng dệt may đến từ Trung Quốc. Phía Trung Quốc phản ứng khá mạnh khi cho rằng hành động trên là không công bằng và vi phạm những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bộ trưởng Gutierrez tuyên bố rất hiểu việc Trung Quốc không hài lòng với quyết định của Mỹ nhưng nói thêm rằng riêng Washington cũng chịu áp lực nặng nề. Ông cũng phát đi những tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng thương thảo với Trung Quốc về vấn đề này và khẳng định những hạn chế trên là nhằm cho các nhà sản xuất dệt may Mỹ có thời gian điều chỉnh thời hậu hệ thống hạn ngạch.

Bên cạnh dệt may thì sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ -Trung. Theo Phòng Thương mại Mỹ thì việc mua bán các sản phẩm giả, sao chép lậu trên toàn thế giới đã làm thiệt hại nền kinh tế nước này mỗi năm 250 tỉ USD, trong đó do phía Trung Quốc là 3,8 tỉ USD. Chính vì vậy, mục đích chuyến đi lần này của ông Gutierrez là tạo áp lực để Trung Quốc mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn nạn sao chép lậu sản phẩm "made in USA". Theo các nhà phân tích thì cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn làm ầm ĩ những tranh chấp trên bởi lẽ Mỹ vẫn cần sự hậu thuẫn đối với một số vấn đề, chẳng hạn như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, còn Trung Quốc thì sẽ thiệt thòi không ít nếu không cải thiện được quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Xuân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.